Thế giới hiện kém yên bình hơn cách đây 1 thập kỷ, chủ yếu là do xung đột ở Trung Đông và châu Phi vốn đang tiêu tốn hàng ngàn tỉ USD.
Cảnh tượng đổ nát ở một góc thành phố Raqqa - Syria hôm 14-5 Ảnh: REUTERS
Đó là nhận định trong báo cáo Chỉ số Hòa bình toàn cầu được Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP, trụ sở ở Úc) công bố hôm 6-6. "Sự yên bình đã giảm dần trong suốt thập kỷ qua. Nguyên nhân đến từ các cuộc xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi cũng như tác động của chúng đối với những khu vực khác" - Giám đốc IEP Steve Killelea giải thích.
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư từ năm 2015 sau khi nổ ra các cuộc chiến tranh ở Libya và Syria. Hơn 1 triệu người từ châu Phi và Trung Đông, cũng như nhiều người từ Afghanistan, đã cố đến lục địa này qua Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bằng đường biển.
Qua phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn, IEP ước tính tình hình bạo lực trong năm 2017 đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 14.800 tỉ USD, tương đương gần 2.000 USD/người.
Nếu như các quốc gia ít yên bình nhất - như Syria, Nam Sudan và Iraq - được ổn định như các quốc gia thanh bình nhất - như Iceland hoặc New Zealand - nền kinh tế các quốc gia này có thể có thêm 2.000 USD/người, theo báo cáo của IEP. Ông Killelea cho rằng hòa bình hoàn toàn gắn liền đến sự phồn vinh về kinh tế.
Theo báo cáo, châu Âu được xếp hạng là khu vực thanh bình nhất thế giới trong khi Trung Đông và Bắc Phi ở chiều ngược lại. Hồi tháng 5 qua, Liên Hiệp Quốc đánh giá khủng hoảng nhân đạo Syria trong năm 2018 tồi tệ hơn bất cứ khoảng thời gian nào trước đây trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm ở đất nước này.
Trong khi đó, ở nước láng giềng Iraq, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn là mối đe dọa hiện hữu dọc biên giới với Syria dù quốc gia này hồi tháng 12-2017 tuyên bố giành chiến thắng sau cùng trước nhóm này.
Riêng khu vực Hạ Sahara ở châu Phi chiếm đến gần phân nửa trong số 11,8 triệu người khắp thế giới đã phải rời bỏ nhà cửa đến địa phương khác trong nước do bạo lực và xung đột trong năm 2017 - theo báo cáo của Trung tâm Giám sát hoạt động di tản nội địa (Thụy Sĩ).
Theo Lục San/ NLĐ