Việc Tổng thống Trump dọa hủy Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều khiến các nước liên quan trong đó có Nga có cơ hội “chen ngang” trong vấn đề Triều Tiên.
Chênh vênh vì thiếu niềm tin
Số phận Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều đang rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” khi ngày 23/5, Tổng thống Donald Trump đe dọa hủy cuộc gặp này nếu Triều Tiên không đáp ứng điều kiện của Mỹ. Thông báo này được đưa ra hơn 1 tuần sau tuyên bố tương tự của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tổng thống Mỹ (phải) dọa hủy Hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên (trái). Ảnh: Reuters.
Không chỉ Tổng thống Donald Trump mà một loạt các quan chức trong chính quyền của ông cũng gửi thông điệp cứng rắn tới Triều Tiên. Hãng tin Sputnik dẫn báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ gửi tới Quốc hội cùng ngày cho biết, quân đội Triều Tiên vẫn đặt ra mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với Đông Bắc Á và các lực lượng Mỹ trong khu vực, bất chấp những khó khăn mà họ đang phải đối mặt về hậu cần và chiến thuật.
Lo lắng này không phải là không có lý do bởi quân đội Nhân dân Triều Tiên có hơn 1 triệu binh sỹ, là lực lượng quân đội lớn thứ 4 trên thế giới. Hơn nữa 70% lực lượng bộ binh cùng 50% lực lượng không quân và hải quân được triển khai trong vòng 60 dặm (tương đương 96,5 km) của Khu Phi quân sự (DMZ).
Còn trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News hôm 22/5, phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo, “Triều Tiên sẽ vấp phải sai lầm lớn nếu nghĩ đến việc qua mặt Tổng thống Donald Trump trong trường hợp hai bên gặp nhau vào tháng tới”. Hiện tại, Tổng thống Donald Trump đang tiến hành tham vấn với các cố vấn cấp cao của ông và một số nhà lãnh đạo nước ngoài về việc liệu ông có nên tiếp tục với kế hoạch tới Singapore để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay không.
Trước đó hôm 16/5, hãng thông tấn Trung ương KCNA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Thứ nhất Triều Tiên Kim Kye-gwan cho biết, nước này sẽ không tham gia bất cứ cuộc đàm phán nào chỉ đơn phương đề cập đến tiến trình phi hạt nhân hóa mà không tính đến quyền phòng vệ của Triều Tiên, tương tự như mô hình giải trừ hạt nhân ở Lybia. Theo kiểu mẫu Libya, Triều Tiên sẽ phải giải trừ hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình trước khi nhận được bất kỳ nhượng bộ nào từ Mỹ.
Lý giải phát ngôn nêu trên, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Alexander Vorontsov, chuyên gia về khu vực đến từ Viện Nghiên cứu phương Đông của Moscow cho biết: “Triều Tiên muốn đảm bảo an ninh và tin rằng họ sẽ phải trả giá rất đắt nếu từ bỏ chương trình hạt nhân. Kim Jong-un cùng các quan chức trong chính quyền của ông vẫn nhớ bài học của cựu Tổng thống Lybia Muammar Gaddafi và không ai muốn Triều Tiên lặp lại số phận như vậy.” Theo nhà phân tích này, Bình Nhưỡng vẫn xem Mỹ là mối đe dọa đáng kể về an ninh, ám chỉ cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn diễn ra ngày 14/5 vừa qua.
Mỹ thiếu chính sách rõ ràng
Ngay trong chính quyền của ông Trump cũng có sự mâu thuẫn nội bộ, giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo – người luôn ủng hộ đàm phán Mỹ-Triều và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton – người theo đuổi chính sách “diều hâu” đối với Triều Tiên. Trả lời phỏng vấn trong một chương trình của This Week, Cố vấn John Bolton cho biết, cách duy nhất để Triều Tiên trở thành một quốc gia bình thường đó là chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân. “Nếu ông Kim Jong-un muốn có mối quan hệ bình thường với thế giới, nếu ông muốn giao dịch thương mại, đầu tư, thì đây là con đường ông phải theo”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì lại có cách tiếp cận khác, ông cho rằng, mối quan tâm của Mỹ là ngăn chặn nguy cơ Triều Tiên phóng vũ khí hạt nhân vào lục địa Mỹ chẳng hạn như Washington, Los Angeles hay Denver. Đó là mục tiêu của chúng ta.” Cần phải nhắc lại rằng quan điểm của ông Pompeo là Triều Tiên không sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Mỹ, hoàn toàn mâu thuẫn với ý kiến Tổng thống Donald Trump hay John Bolton đòi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi đưa ra bất cứ nhượng bộ nào.
Hơn nữa, quyết sách của chính quyền Tổng thống Trump cũng còn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các “ông lớn” trong ngành vũ khí của Mỹ. Sputnik dẫn lời ông Dmitry Abzalov, người đứng đầu Trung tâm Truyền thông Chiến lược Nga nhận định: “Nếu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân hoàn toàn, một số dự án của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương sẽ mất đi giá trị và tầm quan trọng vốn có của chúng. Thứ nhất, hệ thống tên lửa chống đạn đạo (ABM) ở Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ trở nên vô dụng. Các hệ thống phòng thủ này tiêu tốn hàng tỉ USD và cái cớ để gây dựng chúng chính là để đối phó với Triều Tiên. Và thứ hai, Mỹ cũng cần phải xem xét lợi ích tài chính của các doanh nghiệp bán vũ khí của Mỹ - những nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa”.
“Quyết định hiện giờ nằm trong tay các nhà lãnh đạo Mỹ, nghiêng về bên nào hoặc chọn lựa lợi ích như thế nào, theo đuổi một chiến lược dài hạn hay dựa trên yêu cầu của các ông lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ”, ông Abzalov nói.
Mỹ mở cửa cho Nga
Ông Abzalov cho rằng nếu sự hoài nghi giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên ngày càng gia tăng, nhiều khả năng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều khó có thể diễn ra, hoặc nếu diễn ra cũng sẽ có nguy cơ bế tắc. Trong trường hợp đó, Nga có thể can thiệp và làm thay đổi tình hình. Theo ông Abzalov, Tổng thống Nga Putin có thể đóng vai trò trung gian, cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, chuyển đàm phán song phương thành đàm phán đa phương.
“Đó sẽ là một tình huống hoàn hảo cho Nga nếu Triều Tiên thương lượng phi hạt nhân hóa với không chỉ Mỹ, mà cả Bắc Kinh, Hàn Quốc và Nhật Bản. Khi đó, nếu đạt được thỏa thuận đây sẽ là thỏa thuận đa phương, đáp ứng được yêu cầu của tất cả các bên liên quan. Trong trường hợp thất bại, cuộc đàm phán này cũng sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng so với cuộc đàm phán chỉ có Mỹ và Triều Tiên”, ông nói.
Vấn đề Triều Tiên là một trong số ít những vấn đề ở Châu Á mà Nga tham gia chặt chẽ trong tiến trình ngoại giao đa phương. Các nhà phân tích cho rằng, với tiềm lực kinh tế và chính trị của mình, Nga có thể hợp tác với Trung Quốc tạo ra một khuôn khổ đa phương mới để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên một khi đàm phán Mỹ-Triều bế tắc./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN