Dung nham nóng chảy từ núi lửa Kilauea ở Hawaii đang chảy ra biển, đe dọa tài sản và sinh mạng của cư dân sống trên đảo.
Dòng dung nham chảy từ khe nứt gần Pahoa, Hawaii. Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.
Dòng dung nham phun trào từ núi lửa Kilauea trên Đảo Lớn ở Hawaii đã gây ra thương vong đầu tiên khi đá nóng bắn ra và văng trúng chân một người đàn ông hôm 19/5, AP đưa tin.
Nạn nhân sống tại vùng chịu ảnh hưởng của núi lửa này đã bị dập nát toàn bộ cẳng chân sau vụ tai nạn, Hawaii News Now TV dẫn lời Janet Snyder, người phát ngôn của thị trưởng hạt Hawaii.
Các quan chức cho biết nham thạch bắn ra từ núi lửa có thể lớn ngang một chiếc tủ lạnh và ngay cả những mảnh nhỏ hơn cũng có thể gây chết người. Cư dân trong khu vực đã được sơ tán và đường cao tốc nơi dung nham chảy qua đã bị phong tỏa.
Vụ tai nạn diễn ra vào ngày dòng dung nham bắt đầu tràn qua một đường cao tốc và đổ vào biển. Dung nham và nước biển gặp nhau tạo ra đám mây hơi nước chứa đầy acid hydrochloric và các tinh thể thủy tinh có thể làm tổn hại da và mắt, đồng thời gây ra các vấn đề về hô hấp cho con người.
Dòng chảy dung nham đã mở rộng tới 24 km về phía tây, nơi nham thạch đổ ra đại dương từ bờ biển phía nam Đảo Lớn, chạy song song với bờ, theo Wendy Stovall, nhà khoa học tại Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.
Giới chức cảnh báo luồng khí chứa chất độc hại có thể chuyển hướng nếu hướng gió thay đổi. Đài quan sát Núi lửa Hawaii cũng cho biết lượng khí sulfur dioxide đã tăng gấp ba lần.
Núi lửa Kilauea trên Đảo Lớn bắt đầu hoạt động trở lại hơn hai tuần trước, đốt cháy hàng chục ngôi nhà, khiến hàng nghìn người phải sơ tán. Những cột khói bụi phun trào từ đỉnh khiến giới chức phải phân phát mặt nạ cho người dân.
Joseph Kekedi, một người trồng lan sống cách nơi dung nham đổ ra biển 5 km, cảm thấy may mắn khi dung nham không tràn tới nơi ở của ông. Ông cho biết người dân không còn cách nào khác ngoài việc theo dõi thông tin và sẵn sàng chạy khỏi khu vực nguy hiểm.
"Thiên nhiên đang một lần nữa nhắc nhở chúng ta ai mới là người làm chủ", Kekedi nói.
Kekedi chia sẻ rằng hầu hết hàng xóm của ông đều lạc quan. Những người bạn của ông từng mất hết nhà cửa khi dung nham tràn qua thị trấn Kalapana vào thập niên 1990, nhưng họ đã xây dựng lại cuộc sống.
Dung nham phun trào bên trong khu vực Leilani Estates. Ảnh: Honolulu Star-Advertiser.
Khu vực bị ảnh hưởng bởi dung nham và tro bụi khá nhỏ so với diện tích hơn 10.000 km2 của Đảo Lớn, các chuyến bay tại Hawaii, thậm chí ở Đảo Lớn, đều không bị ảnh hưởng, nên du khách đến Hawaii có thể tham quan như bình thường.
Theo Ánh Ngọc/VnExpress