Giới quan sát đánh giá lãnh đạo Triều Tiên đang nỗ lực giành thế chủ động trước khi có hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trái, và Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: CNN.
"Cuộc gặp thứ hai với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giúp tăng cường vị thế của ông Kim Jong-un trước khi họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump", ông Benoit Hardy-Chartrand, Đại học Temple, Nhật Bản, trao đổi với VnExpress về chuyến công du gần đây của lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc xác nhận lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp ông Tập vào ngày 7/5 tại thành phố Đại Liên, Liêu Ninh. Hồi cuối tháng ba, ông Kim cũng đã đến Bắc Kinh hội đàm với ông Tập, trước khi có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Khu Phi quân sự liên Triều.
Theo Hardy-Chartrand, mặc dù quan hệ Trung - Triều phần nào sứt mẻ trong vài năm qua, việc ông Kim có sự ủng hộ của Bắc Kinh, đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng, là điều rất quan trọng trước khi gặp Tổng thống Mỹ.
Đồng tình với ý kiến này, Phó giáo sư Salvatore Babones, Đại học Sydney, Australia, đánh giá sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho chính phủ Triều Tiên và nền kinh tế nước này vẫn rất quan trọng vì hầu hết xuất nhập khẩu của Triều Tiên đều đi qua Trung Quốc. Bắc Kinh cũng là nơi cấp phần lớn vốn đầu tư cho Bình Nhưỡng.
Theo Babones, cuộc gặp đầu tiên với ông Kim hồi tháng 3 là cơ hội để ông Tập nhấn mạnh nhu cầu Triều Tiên xây dựng quan hệ hòa bình hơn với Mỹ cũng như các láng giềng Hàn Quốc, Nhật Bản. Cuộc gặp thứ hai ở Đại Liên chắc chắn tập trung vào các quan điểm cụ thể mà Triều Tiên sẽ đưa ra trong các cuộc thảo luận phi hạt nhân hóa với Mỹ.
Theo ông Lucio Blanco Pitlo III, nhà nghiên cứu tại Đại học Philippines, việc ông Kim Jong-un liên tiếp gặp ông Tập Cận Bình không chỉ thể hiện mong muốn có sự ủng hộ của Bắc Kinh, mà còn tạo ra "vài khoảng trống" trong các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế với Triều Tiên.
"Có thể ông Kim đã giành được một phần nào đó ủng hộ và nới lỏng trừng phạt trong cuộc gặp đầu tiên với ông Tập và có thể cả trong họp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Kim muốn có một vài đảm bảo trong trường hợp đối thoại với Tổng thống Mỹ không mang lại thỏa hiệp từ hai phía", ông Pitlo nói.
Về cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều hôm 27/4, ông Hardy-Chartrand đánh giá lãnh đạo Triều Tiên đã nhận thấy rằng bất kể cuộc họp với Tổng thống Mỹ có kết quả thế nào, mối quan hệ nồng ấm giữa hai miền trên bán đảo giúp giảm áp lực với Bình Nhưỡng.
Nếu cuộc gặp với ông Trump không tiến triển tốt và Mỹ muốn tăng áp lực với Triều Tiên, có thể bất đồng sẽ xảy ra giữa Washington và Seoul. Trước đó, lãnh đạo Triều Tiên đã thể hiện thiện chí, bằng cách có những nhượng bộ như tuyên bố ngừng thử tên lửa và hạt nhân.
"Ông Kim đến nay thể hiện một sự hiểu biết rất sắc sảo về ngoại giao và chơi lá bài của mình khá điêu luyện", ông Hardy-Chartrand đánh giá về Kim Jong-un kể từ khi lãnh đạo Triều Tiên phát tín hiệu thiện chí chấm dứt căng thẳng trên bán đảo.
Bày tỏ tin tưởng về thiện chí của ông Kim Jong-un trong thảo luận với Mỹ, ông Babones cho rằng Triều Tiên đang có cơ hội bình thường hóa quan hệ với Washington, từ đó có thể thực hiện mở cửa và cải cách, điều mà một số nước trong khu vực đã thực hiện hàng chục năm trước. Ông Kim biết rõ rằng Triều Tiên đang lạc hậu so với các nước xung quanh.
Do đó, trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ vào ngày 12/6, lãnh đạo Triều Tiên có thể hướng đến một thỏa thuận toàn diện để phi hạt nhân hóa hoàn toàn, đổi lại yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, Babones nhận định.
Theo VnExpress