Hơn 100 tên lửa được Mỹ và đồng minh phóng từ các máy bay, tàu chiến quanh Syria, khiến chính quyền Assad sử dụng hệ thống phòng không để đối phó.
Khu trục hạm USS Donald Cook đã phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria trong chiến dịch của phương Tây nhằm phản ứng trước việc Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Trong ảnh là tàu Donald Cook tuần tra trên Địa Trung Hải năm 2016. Nó có thể mang tối đa 96 quả đạn với tầm bắn tới 1.600 km.
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa Tomahawk trong cuộc không kích Syria ngày 14/4.
Một oanh tạc cơ B-1B Lancer của không quân Mỹ cũng tham gia chiến dịch, sử dụng tên lửa hành trình AGM-158 JASSM, đánh dấu lần đầu thực chiến của loại vũ khí này. Trong ảnh là một chiếc B-1B diễn tập trên Thái Bình Dương.
Các quả đạn JASSM được lắp trên oanh tạc cơ B-1B. Mỗi tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và định vị toàn cầu (GPS), cùng đầu dò hồng ngoại có khả năng tự nhận dạng mục tiêu ở giai đoạn cuối. AGM-158 có tầm bắn tối đa khoảng 1.000 km.
Hải quân Pháp cũng sử dụng tàu hộ vệ Aquitaine thuộc lớp FREMM để phóng ít nhất ba tên lửa hành trình tầm xa MdCN, biến thể của mẫu SCALP trang bị cho máy bay. Trong ảnh, một tàu hộ vệ lớp FREMM cùng loại với chiếc Aquitaine trong quá trình thử nghiệm năm 2015.
Tiêm kích Rafael của Pháp trang bị tên lửa SCALP-EG xuất kích sáng 14/4.
Cường kích Tornado GR4 của Anh chuẩn bị xuất phát từ căn cứ Akrotiri trên đảo Cyprus, tham gia cuộc không kích sáng 14/4.
Tiêm kích Rafale và cường kích Tornado GR4 đều sử dụng cùng mẫu tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG để tấn công các mục tiêu tại Syria. Đây là dòng tên lửa hành trình tầm xa, có độ phản xạ radar thấp với tầm bắn trên 500 km.
Để đối phó với liên quân của Mỹ, quân đội Syria đã triển khai các hệ thống phòng không S-125, S-200, 2K12 Kub và Buk có từ thời Liên Xô. Trong ảnh là xe chiến đấu thuộc hệ thống phòng không tầm trung Buk-M2E của Syria tại thành phố Homs sau trận chống trả tên lửa Mỹ sáng 14/4. Mỗi tổ hợp Buk-M2E có thể tấn công tối đa 24 mục tiêu cùng lúc trên nhiều hướng khác nhau.
Xe 9A317E được lắp 4 quả đạn tên lửa có tầm bắn tối đa 45 km, sử dụng nhiên liệu rắn với tốc độ tối đa 4.940 km/h. Mỗi quả đạn trang bị đầu nổ mảnh nặng 70 kg, kích hoạt bằng ngòi nổ chạm hoặc cận đích. Ngoài các loại máy bay và tên lửa hành trình bay thấp, tổ hợp Buk-M2E cũng có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật ở khoảng cách 20 km.
Các tổ hợp Pantsir-S1 được cho là bắn hạ nhiều tên lửa hành trình Mỹ trong cuộc tập kích rạng sáng 14/4. Quân đội Syria bắt đầu nhận bàn giao các tổ hợp Pantsir-S1 từ năm 2012. Tới nay, có ít nhất 50 xe chiến đấu Pantsir-S1 đã được nước này đưa vào biên chế.
Một xe chiến đấu Pantsir-S1 gồm hai pháo tự động 2A38M cỡ nòng 30 mm với tốc độ bắn 5.000 phát/phút, trang bị 1.500 viên đạn nổ mảnh hoặc xuyên giáp với tầm bắn tối đa 4 km. Ngoài ra, Pantsir-S1 còn mang 12 tên lửa tầm ngắn 57E6 có khả năng diệt mục tiêu từ cách 20 km.
Hệ thống S-125 Neva/Pechora được Liên Xô phát triển để bổ sung lưới phòng không tầm trung, bên cạnh dòng S-25 Berkut và S-75 Dvina. Mỗi tổ hợp bao gồm 4 bệ phóng với tối đa 16 quả đạn trong tình trạng sẵn sàng phóng. Tên lửa 5V27 của tổ hợp S-125 có tầm bắn 35 km và trần bắn 18 km, tốc độ tối đa 4.320 km/h.
Tới đầu thập niên 2000, Nga bắt đầu phát triển biến thể S-125-2M "Pechora-2M", nhằm tăng cường khả năng chiến đấu cho các tổ hợp S-125 đời cũ. Hệ thống này có khả năng kết nối với những tổ hợp phòng không tầm xa như S-300, được trang bị nhiều cảm biến mới để phát hiện mục tiêu cả ngày lẫn đêm và trong điều kiện đối phương gây nhiễu mạnh.
S-200 là mẫu tên lửa phòng không cuối cùng kết hợp động cơ chính nhiên liệu lỏng và tầng đẩy sơ tốc nhiên liệu rắn, cũng là tổ hợp cuối cùng của Lực lượng phòng không Liên Xô (PVO) được đặt trên các bệ phóng cố định. Phiên bản S-200A Angara có tầm bắn 180 km được biên chế cho PVO vào năm 1966, trong khi Syria đang biên chế mẫu S-200VE Vega ra đời trong thập niên 1970 với tầm bắn lên tới 300 km.
Dù ra đời trong thập niên 1960-1970, tổ hợp S-200 vẫn có khả năng nâng cấp sâu, cho phép kết nối và chia sẻ dữ liệu với những hệ thống phòng không hiện đại như S-300. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định Syria đang có ít nhất 48 bệ phóng, tương đương với 8 tiểu đoàn tên lửa S-200.
Theo VnExpress