Cảnh sát Indonesia đã bắt giữ một số đối tượng tình nghi có liên quan tới đường dây sản xuất rượu giả khiến hàng trăm người ngộ độc và gần 80 người thiệt mạng.
Rượu giả bị thu giữ tại hiện trường (Ảnh: AFP)
Theo SCMP, giới chức Indonesia cho biết chỉ trong một tháng đã có gần 80 người thiệt mạng vì uống phải rượu giả. Cảnh sát đã bắt giữ ít nhất 12 đối tượng ở thủ đô Jakarta và tỉnh lân cận, nghi có liên quan tới vụ việc.
Phát ngôn viên cơ quan cảnh sát West Java Trunoyudo Wisnu Andiko ngày 10/4 thông báo đã có 45 người tử vong trên địa bàn. Tại Cicalengka, thủ phủ của Bandung, hơn 100 người đã phải nhập viện cấp cứu. Khoảng 31 người đã thiệt mạng trong một tháng qua tại Jakarta và các tỉnh xung quanh.
Thuế cao đối với mặt hàng rượu được cho là một trong những lý do khiến thị trường sản xuất rượu giả bùng nổ. Nhóm đối tượng mà những kẻ sản xuất rượu giả hướng tới thường là người dân nghèo. Vào năm 2015, Indonesia đã cấm bán rượu ở hàng chục ngàn siêu thị và cửa hàng quy mô nhỏ.
Hiện cảnh sát chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra các trường hợp tử vong. Một số cho rằng, các nạn nhân thiệt mạng vì uống phải chất methanol gây chết người, một số ý kiến khác cho rằng bên trong rượu giả có chứa chất diệt côn trùng.
Sĩ quan Agung Budi Maryoto công tác tại sở cảnh sát West Java ngày 9/4 cho biết một nghi phạm làm rượu giả ở khu vực của ông đã trộn rượu thật với nhân sâm, thuốc ho và thuốc chống muỗi để làm ra dung dịch rượu giả. Trong một vài trường hợp khác, những nghi phạm đã khai nhận trộn rượu với đồ uống có cồn và đồ uống tăng lực để lừa người tiêu dùng.
Phía cảnh sát Indonesia tin rằng có một đường dây có quy mô đứng đằng sau vấn nạn này.
Truyền thông Indonesia đã đăng những bức hình cho thấy sự đau đớn và suy sụp từ người nhà các nạn nhân uống phải rượu giả.
Đây là đợt có số tử vong về rượu giả lớn nhất Indonesia từ trước tới nay. Năm 2016, đã có 36 người chết sau khi uống phải rượu tự chế có chất độc.
Theo Đức Hoàng/ Dân Trí