Câu chuyện về một nữ nhân viên ở tỉnh Aichi bị cấp trên khiển trách vì mang thai trước khi ‘đến lượt’ đã thu hút sự chú ý của dư luận về quy tắc bất thành văn tại các công ty Nhật Bản.
Trường hợp nói trên, được biết đến sau khi chồng của người này viết thư cho tờ Mainichi Shimbun, là một phần của thông lệ thường thấy trong giới công sở Nhật Bản.
Theo đó, một số công ty buộc các nữ nhân viên tuân thủ cái gọi là “lịch sinh con”, quy định rõ thời gian từng người được phép có con cái dựa trên thâm niên.
Theo người chồng, vợ của mình cảm thấy “buồn bã và lo lắng” thay vì vui mừng sau khi được bác sĩ thông báo tin vui. Điều này bởi vì giám đốc trường mẫu giáo nơi cô làm việc đã có quy định rõ ràng về trình tự các nữ nhân viên lập gia đình hoặc mang thai.
Cả hai vợ chồng đến tận văn phòng giám đốc để xin lỗi vì người vợ cấn thai. Người sếp chấp nhận lời xin lỗi với thái độ “giận dữ”, nhưng kể từ đó luôn dùng những từ ngữ nặng nề để la rầy bà mẹ tương lai là "ích kỷ và phá luật".
Cảnh ngộ của đôi vợ chồng đã làm nổi bật vấn đề lớn hơn về “lịch sinh con” trong xã hội Nhật Bản, và bức thư nhận được sự phản hồi rộng rãi của dư luận.
Nhiều người chỉ trích trường mẫu giáo và cho rằng quy định ngầm nói trên vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tỏ ra thông cảm với đồng nghiệp của người vợ phải gánh thêm áp lực công việc do "vỡ kế hoạch nhân sự".
Một phụ nữ khác, 26 tuổi và làm việc trong ngành mỹ phẩm, kể với Mainichi Shimbun rằng cấp trên gây áp lực buộc cô phải đợi đến năm 35 tuổi mới được có con.
“Hiện tôi đã gặp vấn đề khi muốn có thai. Họ sẽ chịu trách nhiệm như thế nào nếu tôi hoãn kế hoạch mang thai và mất luôn cơ hội có con?”, cô đặt câu hỏi.
Theo Thụy Miên/ Thanh Niên