Truyền thông khu vực Bắc Phi ngày 12/3 đưa tin cựu Đại sứ Libya tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Aref Ali Al-Nayed đã chính thức thông báo ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống của nước này, dự kiến diễn ra trong năm 2018.
Cựu Đại sứ Libya tại UAE. (Nguồn: Getty Images)
Ông Al-Nayed là ứng cử viên đầu tiên chạy đua trong cuộc bầu cử tổng tổng sắp tới của Libya.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Bắc Phi, ông Al-Nayed từng làm Đại sứ Libya tại UAE từ tháng 6/2011 tới tháng 10/2016.
Sinh năm 1962 tại Benghazi, ông là một trong những học giả chuyên ngành triết học Hồi giáo.
Sau các sự kiện mùa Xuân Arab tháng 2/2011 tại Libya, ông Al-Nayed đã gia nhập các lực lượng đối lập và hoạt động như một nhà điều phối của nhóm "Ổn định Libya" trước khi được Hội đồng Chuyển tiếp dân tộc Libya bổ nhiệm làm Đại sứ Libya tại UAE.
Ông từng là một trong những ứng cử viên cho chức thủ tướng Libya sau cuộc chính biến năm 2011.
Theo Ủy ban Bầu cử Libya, công tác đăng ký cử tri đã được tiến hành từ tháng 12/2017.
Đến nay, tổng số cử tri đăng ký đi bỏ phiếu lên tới gần 2 triệu người trong tổng số hơn 6 triệu dân của Libya.
Con số này cao hơn nhiều so với 630.000 cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2014.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Libya có dự định tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và bầu cử địa phương vào cùng một thời điểm hay không.
Quốc gia Bắc Phi cũng chưa ấn định lịch trình cụ thể cho các cuộc bầu cử này.
Cuộc bầu cử cách đây bốn năm đã dẫn đến cuộc tranh giành quyền kiểm soát Tripoli cũng như sự ra đời của các chính phủ đối địch nhau tại thủ đô Tripoli và ở miền Đông Libya.
Tướng Khalifa Haftar, Chỉ huy Quân đội ủng hộ chính phủ ở miền Đông, có thể chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Tháng Một vừa qua, Liên hợp quốc cam kết sẽ hỗ trợ Libya tổ chức các cuộc bầu cử trong năm nay, đồng thời hy vọng các cuộc bầu cử có thể giúp đem lại sự ổn định cho đất nước vốn đã chìm sau trong bất ổn chính trị và an ninh sau cuộc chính biến lật đổ nhà độc tài Muammar Gaddafi hồi năm 2011.
Giới phân tích khu vực cho rằng việc tổ chức các cuộc bầu cử là thách thức lớn ở Libya, quốc gia hiện vẫn đang chia rẽ giữa các phe phái chính trị và quân sự.
Trong khi các chính phủ đối địch vẫn đang tồn tại song song, an ninh ở nhiều nơi không được kiểm soát.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Libya cần phải thông qua luật bầu cử mới và tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới trước khi tổ chức các cuộc bầu cử trong năm nay./.
Theo TTXVN