Tuổi quan hệ tình dục hợp pháp ở Philippines ở 12, nhưng trẻ vị thành niên phải xin phép bố mẹ nếu muốn sử dụng các biện pháp tránh thai.
Encarnacion và chồng, người chỉ kiếm được 5 USD một ngày nhờ giao hàng trong chợ, quyết tâm chỉ đẻ con thứ hai khi đủ kinh tế. Ảnh: CNN.
Hazel Encarnacion, 16 tuổi, vừa bế con gái ba tháng tuổi bú sữa, vừa đi xuyên qua con hẻm nhỏ tại Tondo, một trong những khu phố nghèo đông dân nhất Manila, theo CNN.
Cô gái trẻ mới lên chức mẹ đầy tự hào tuyên bố sẽ đợi 5 năm nữa mới sinh thêm con. Ở Philippines, điều này nói dễ hơn làm, bởi luật pháp cấm phá thai, còn người dân thiếu kiến thức về tránh thai khiến việc sinh đẻ kế hoạch khó kiểm soát.
Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, tỷ lệ vị thành niên mang thai ở Philippines giữ vững trong nhiều năm, trong khi các nước châu Á khác có xu hướng giảm. Gần đây, xu hướng này có thay đổi nhỏ. Dữ liệu từ cuộc Điều tra Dân số và Y tế Quốc gia năm 2017 cho thấy 9% phụ nữ Philippines trong độ tuổi 15-19 bắt đầu sinh con, giảm 10% so với năm 2013. Thế nhưng con số này vẫn còn cao, so với tỷ lệ 4,7% trung bình toàn cầu năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới.
Encarnacion được hưởng lợi từ luật mới và nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong việc phổ biến rộng rãi các biện pháp phòng tránh thai ở Philippines. Cô gái chỉ vào chỗ bắp tay trái, nơi que ngừa thai được Likhaan, một tổ chức NGO cấy miễn phí. Que cấy giúp cô ngừa thai trong ba năm, cho phép Encarrnacion và chồng, người kiếm chưa đầy 5 USD một ngày nhờ nghề giao hàng ở chợ, sinh con thứ hai khi họ đủ kinh tế.
"Tôi đã quyết rồi, chúng tôi phải sinh đẻ kế hoạch. Tôi chỉ muốn hai con thôi", người mẹ trẻ nói.
Trước khi sinh con đầu lòng, Encarnacion cho hay chỉ phụ nữ đã có con mới được sử dụng biện pháp tránh thai. Theo cuộc khảo sát, 28% số phụ nữ trẻ đã lập gia đình ở Philippines cho biết họ không tiếp cận được với các biện pháp kế hoạch hóa gia đình cần thiết, còn đối với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục mà chưa lập gia đình, gần 50% nói rằng họ không được tiếp cận với các biện pháp tránh thai.
Trong những khu phố nghèo như Tondo, cảnh một phụ nữ có hơn 10 đứa con không có gì hiếm lạ. Không thể tiếp cận các biện pháp ngừa thai, nhiều phụ nữ đã phải phá thai chui để kiểm soát sinh đẻ, vì phá thai bị coi là bất hợp pháp tại Philippines, quốc gia nơi 80% người dân là tín đồ Công giáo La Mã sùng đạo.
Năm 2012, sau một cuộc chiến kéo dài 14 năm với Giáo hội Công giáo và các nhóm chống phá thai, Philippines đã thông qua luật mới về sức khỏe sinh sản, phổ cập giáo dục và tiếp cận các biện pháp kiểm soát sinh đẻ nhằm giảm tỷ lệ sinh của quốc gia. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2017, sau nhiều thách thức pháp lý, luật này mới được thực thi đầy đủ. Cục quản lý Dược và Thực phẩm đã dỡ bỏ lệnh cấm tạm thời của Tòa án Tối cao đối với 51 loại biện pháp tránh thai bằng việc chứng minh những biện pháp này không phải là phá thai.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng thúc đẩy cung cấp thêm các biện pháp ngừa thai cho người nghèo. Năm ngoái, ông ký lệnh kêu gọi các quỹ hỗ trợ. Một tháng sau, ông Duterte tiếp tục đề nghị phụ nữ dùng thuốc viên tránh thai hoặc cấy que, thay cho bao cao su vì "chúng không thoải mái".
Nhờ những nỗ lực gần đây của ông Duterte, các phương pháp tránh thai như cấy que được cung cấp miễn phí cho Encarnacion sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với phụ nữ Philippines.
Magdalena Bacalando, cán bộ y tế phân phát thông tin và kiến thức phòng tránh thai trên đường phố Tondo cho hay luật mới vẫn chưa hoàn thiện khi không cho phép các nhân viên y tế tiếp cận với thanh thiếu niên, nhóm người có nhu cầu lớn nhất. Theo luật, trẻ vị thành niên muốn sử dụng biện pháp tránh thai phải được sự đồng ý của bố mẹ.
Hầu hết các thanh thiếu nữ trong cộng đồng nơi Bacalando công tác đều sinh nở lần đầu ở tuổi 15, 16. Tuổi được phép quan hệ tình dục ở Philippines là 12.
"Các em đều đã sinh hoạt tình dục", Bacalando nói, cô làm việc cho Likhaan. "Các em không hỏi ý kiến cha mẹ, mà hỏi cái gì cơ chứ?"
Những phụ nữ lớn tuổi cho hay tình hình bây giờ đã khá hơn nhiều so với trước kia. Tỷ lệ sinh bắt đầu giảm, trung bình một phụ nữ sinh 2,7 trẻ vào năm 2017, giảm so với con số 3 vào năm 2013. Dữ liệu năm 2017 cho thấy số trẻ vị thành niên mang thai cũng giảm, với tỷ lệ 3,7% trẻ 16 tuổi bắt đầu lập gia đình, so với 5% vào năm 2013.
Một phụ nữ giấu tên 52 tuổi có 11 con từng phá thai ba lần. Một lần, bà phải nhập viện do thủng tử cung và xuất huyết nặng, khi trả 23 USD hút thai chui. Người phụ nữ bị dọa phải ngồi tù vì tội phá thai. Theo luật hình sự Philippines, người mẹ tự ý phá thai hoặc bất kỳ ai giúp đỡ phá thai có thể bị phạt tù từ 6 tháng tới 6 năm.
"Tôi rất sợ hãi. Tôi sợ Chúa nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác vì cuộc sống khó khăn quá. Chồng tôi không có công việc ổn định", bà nói.
Lần khác, bà mua thuốc phá thai ở chợ đen và tới một thầy lang để thực hiện thủ thuật "mát xa" phá thai với giá 3 USD.
"Bà ấy cứ ấn liên tục vào bụng tôi. Mỗi khi em bé trong bụng động đậy, bà ấy lại ấn mạnh hơn, như thể đứa trẻ bị nghiền nát. Dù rất đau đớn nhưng tôi vẫn phải cắn răng chịu", bà nói.
Người mẹ 11 con hy vọng các biện pháp ngừa thai sẽ được triển khai rộng rãi hơn, để giúp 9 cô con gái của bà tránh khỏi tình cảnh đau đớn mà mẹ từng lâm vào.
"Tôi tán thành sinh đẻ kế hoạch. Bạn bè, họ hàng, mọi người quanh tôi, kể cả con dâu, đều sử dụng biện pháp tránh thai, vì họ không muốn mang thai thêm nữa".
Theo Hồng Hạnh/ Vnexpress