Bình Nhưỡng đã thống nhất với Seoul về địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở khu vực biên giới phía Hàn Quốc, động thái các chuyên gia nhận định rằng Triều Tiên dường như muốn thế giới coi họ là một “quốc gia bình thường”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay ông Chung Eui Yong, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Hàn Quốc ngày 5/3. (Ảnh: Reuters)
Straits Times trích lời ông Chung Eui Yong, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã đồng ý tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào cuối tháng 4 dự kiến tại Nhà Hòa bình, khu cơ sở vật chất thuộc làng đình chiến Panmunjeom nằm trên lãnh thổ Hàn Quốc.
“Panmunjeom là biểu tượng của sự chia cắt. Hai hội nghị lần trước đều tổ chức ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, lần thứ 3 địa điểm tổ chức dự kiến sẽ được chuyển sang Panmunjeom, cho thấy ý nghĩa rất quan trọng”, ông Chung phát biểu ngày 6/3 sau chuyến thăm Triều Tiên 2 ngày.
Chuyên gia Cheong Seong Chang từ viện nghiên cứu Sejong nhận định việc lựa chọn Panmunjeom là địa điểm tổ chức cho thấy cách tiếp cận thực tế của 2 bên. Ông cho rằng việc tổ chức hội nghị ở Seoul hay Bình Nhưỡng sẽ đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về tiền bạc cũng như thời gian. Ông Cheong nói việc Triều Tiên đồng ý tổ chức ở địa điểm này cho thấy tính cách quyết đoán và có phần táo bạo của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Giới quan sát cho rằng địa điểm tổ chức sự kiện cũng đồng thời cho thấy sự linh hoạt hơn trong chiến lược của Triều Tiên đối với láng giềng Hàn Quốc so với thời kỳ trước đây.
Các chuyên gia cũng đánh giá Triều Tiên dường như đang nâng cao vai trò của Đệ nhất Phu nhân Triều Tiên Ri Sol Ju trong các công việc quan trọng. Đây có thể được coi là động thái nhằm xây dựng hình ảnh Triều Tiên giống như một “quốc gia bình thường”.
Vào ngày 5/3, bà Ri Sol Ju đã xuất hiện cùng chồng trong bữa tiệc tối chào mừng đoàn phái viên đặc biệt của Hàn Quốc. Theo Straits Times, dù bà Ri đã xuất hiện nhiều cùng chồng trong các sự kiện khác nhau nhưng đây mới là lần thứ 2 bà đi cùng ông Kim tới một sự kiện ngoại giao. Các chuyên gia cho rằng đây dường như là động thái nhằm “bình thường hóa” hình ảnh của Triều Tiên.
Nếu hội nghị thượng đỉnh diễn ra đúng như dự kiến, thì nó sẽ đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân lên đất Hàn Quốc từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Theo Đức Hoàng/ Dân Trí