Bảo tàng Holocaust tại Washington vừa tuyên bố sẽ rút lại giải thưởng nhân quyền đã trao cho nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi trong khi Liên hiệp quốc tiếp tục kêu gọi điều tra cuộc khủng hoảng Rohingya.
Bà Aung San Suu Kyi - Ảnh: Reuters
Trong tuyên bố ngày 7-3, bảo tàng Mỹ cho biết quyết định rút lại giải thưởng Elie Wiesel năm 2012 của bà Suu Kyi với lý do bà đã không sử dụng sức ảnh hưởng của mình để lên án hay ngăn chặn việc giết hại người thiểu số Rohingya ở Myanmar.
Bảo tàng này cho rằng biểu tượng dân chủ của Myanmar đã "từ chối hợp tác với các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc, đưa ra những lời lẽ thù hằn chống lại cộng đồng Rohingya và từ chối cho tiếp cận cũng như trấn áp các phóng viên cố bóc trần quy mô tội ác ở bang Rakhine".
Bà Suu Kyi, từng được so sánh với huyền thoại Mandela Nelson của Nam Phi sau khi bị giam lỏng 15 năm vì chống đối chính quyền quân sự độc tài của Myanmar, cũng giành giải Nobel hoà bình năm 1991.
Tuy nhiên danh tiếng của bà sụp đổ sau vụ khủng hoảng ở Rakhine từ 8-2017 khiến khoảng 700.000 người Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh.
Lãnh đạo nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Zeid Ra'ad Al Hussein ngày 7-3 cũng lên tiếng kêu gọi thành lập cơ quan mới để điều tra các tội ác xảy ra ở Myanmar. Các quan chức LHQ cho rằng quân đội Myanmar đến nay vẫn tiếp tục chiến dịch thanh trừng nhóm thiểu số Rohingya.
Trong khi đó, chính quyền Bangladesh cáo buộc Myanmar đang cản trở việc hồi hương những người Rohingya tị nạn dù hai nước đã ký kết thoả thuận hồi hương cuối năm ngoái. Những người Rohingya đang tị nạn tại Bangladesh cũng từ chối trở về vì lo sợ bang Rakhine vẫn chưa an toàn.
Chính quyền Myanmar khẳng định nước này chỉ thực hiện chiến dịch hợp pháp chống lại các phần tử khủng bố tấn công các lực lượng an ninh.
Theo Trần Phương/ Tuổi Trẻ