Kế hoạch bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước ở Trung Quốc đã được đưa ra ngay trước đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản nước này.
Ông Tập Cận Bình (phải) và ông Trương Đức Giang tại phiên khai mạc kỳ họp quốc hội ở Bắc Kinh ẢNH: AFP
Theo tờ South China Morning Post (SCMP) hôm qua, tại kỳ họp lần thứ nhất khóa 13 của Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra tại Bắc Kinh, Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Vương Thần cho hay chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã khởi xướng sửa đổi Hiến pháp, bao gồm điều khoản bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với chủ tịch và phó chủ tịch nước. Đề xuất được đưa ra tại cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 29.9.2017, khoảng 3 tuần trước khi đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của đảng diễn ra.
Ông Vương cho biết thêm Chủ tịch Tập đã lập nhóm công tác do Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang dẫn đầu để xúc tiến thay đổi Hiến pháp. Hỗ trợ ông Trương là hai trong số các cố vấn thân cận nhất của ông Tập là Lật Chiến Thư và Vương Hỗ Ninh. Cả hai đều đã được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại đại hội đảng vừa qua. Theo báo cáo của ông Vương, sau đại hội đảng, nhóm công tác đã thu thập hơn 2.600 ý kiến từ các cán bộ Đảng Cộng sản và các đảng khác cũng như tổ chức tham vấn những đảng viên lão thành về thay đổi Hiến pháp. Ông Vương khẳng định tất cả những người tham gia đều “nhất trí ủng hộ”.
SCMP dẫn lời giới quan sát nhận định báo cáo của ông Vương Thần có thể được xem là nhằm phản ứng trước thông tin đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ vấp phải sự phản đối trong nội bộ giới lãnh đạo, trong bối cảnh xuất hiện dư luận trái chiều trong và ngoài nước về vấn đề này. Tuy nhiên, họ cho rằng báo cáo không trả lời câu hỏi tại sao đề xuất sửa đổi Hiến pháp lần này có vẻ được xúc tiến vội vàng. Lần gần nhất Trung Quốc sửa đổi Hiến pháp là vào năm 2004 để đưa vào thuyết “Ba đại diện” của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Khi đó, nước này mất một năm để chuẩn bị và tham vấn trong khi đề xuất lần này được hoàn thành chỉ trong vòng 5 tháng.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc đã được trình cho các đại biểu xem xét để quyết định trong kỳ họp lần này, kéo dài tới ngày 20.3. Dự kiến, Quốc hội và Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp, tương đương Mặt trận tổ quốc) sẽ bỏ phiếu vào ngày 11.3. Theo thông báo của Bắc Kinh, buổi bỏ phiếu sẽ không mở cửa cho báo chí.
Theo Văn Khoa/ Thanh Niên