Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc tiếp tục sụt giảm, dù nước này đã bãi bỏ chính sách một con nghiêm ngặt.
Khía cạnh méo mó của xã hội Trung Quốc vì thiếu 60 triệu phụ nữ / Hệ lụy đau lòng từ chính sách một con của Trung Quốc
Gánh nặng tài chính lên các cặp vợ chồng Trung Quốc nếu đẻ hai con. Ảnh: Global Times.
Năm 2015, khi James Chen và Subrina Huang biết tin chính phủ Trung Quốc quyết định bãi bỏ chính sách một con và cho phép các cặp vợ chồng được sinh con thứ hai, họ vô cùng phấn khởi và lập tức cân nhắc chuyện đẻ tiếp, theo Bloomberg.
"Chúng tôi nghĩ mình nên sinh thêm", Chen, 35 tuổi, tâm sự trong một quán cà phê ở Thượng Hải. "Khi đó tôi muốn có thêm một cháu trai".
Ba năm sau, họ vẫn chưa sinh thêm con. Mỗi năm, họ chi hơn 3.000 USD tiền học cho con gái 6 tuổi, bao gồm học thêm tiếng Anh và học múa. Chi phí này sẽ tiếp tục tăng khi con gái lên lớp lớn hơn. Ngoài ra, chuyện nhà cửa cũng là cả vấn đề.
"Nếu đẻ hai con, chúng tôi phải cân nhắc mua nhà khác", Huang, 33 tuổi, nhân viên một công ty ván lát sàn với thu nhập 5.000 yuan (790 USD) một tháng, cho biết. Điều này là không tưởng khi giá nhà ở Thượng Hải đắt gấp 91 lần thu nhập bình quân sau thuế của người dân, theo Numbeo, website về dữ liệu sinh hoạt phí. Ở New York, tỷ lệ này là 25 lần.
"Có thêm con không dễ", Chen, kiểm toán viên nội bộ công ty Dell, thu nhập 6.000 yuan (950 USD) một tháng, chia sẻ. "Giờ thì tôi không dám nghĩ đến chuyện có con thứ hai nữa".
Chen và Huang có vô số lo toan. Phát biểu tại Bắc Kinh hôm 5/2, Yang Wenzhuang, quan chức Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình, cho biết 80% các cặp vợ chồng Trung Quốc không dám đẻ con thứ hai vì áp lực tài chính.
Một năm sau khi bãi bỏ chính sách một con, tỷ lệ trẻ sơ sinh ở Trung Quốc tăng 7,9% lên 17,9 triệu vào năm 2016, nhưng có xu hướng giảm vào năm ngoái, với tỷ lệ 3,5% (tương đương 630.000 ca), theo số liệu từ Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc.
"Khi chính sách thay đổi, mọi thứ có xu hướng tăng lên nhưng việc tăng chưa chắc đã bền vững", Anke Schrader, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Kinh tế Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, đồng tác giả báo cáo "Chính sách hai con không tạo ra bùng nổ sinh đẻ" hồi đầu tháng 1/2018 nhận xét.
"Gánh nặng tài chính lên việc nuôi dạy con ở Trung Quốc quá lớn", Schrader nói.
Điều này thể hiện rõ ở các đô thị Trung Quốc, nơi đầu tư cho giáo dục chiếm 14,3% tổng chi tiêu của một hộ gia đình, theo một nghiên cứu công bố năm ngoái của Đại học Bắc Kinh.
Giá nhà cao chót vót nên không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ sinh ở những thành phố lớn như Thượng Hải hay Bắc Kinh thuộc vào diện thấp nhất thế giới, theo James Liang, tác giả cuốn "Ảnh hưởng của Nhân khẩu học lên Sáng tạo" xuất bản hồi tháng 2/2018.
Khu vực nông thôn có tỷ lệ sinh cao hơn, nhưng tỷ lệ sinh toàn quốc chỉ là 1,6 vào năm ngoái, thấp hơn một chút so với Nga và bằng Canada. Liang dự đoán tỷ lệ sinh ở Trung Quốc sẽ giảm đáng kể sau khi người dân không còn mặn mà với chính sách hai con của chính phủ.
"Trung Quốc đang phải đối mặt với khủng hoảng trẻ sơ sinh", Wei Siang Yu, một bác sĩ kiêm doanh nhân Singapore, nhận xét.
Dân số Trung Quốc dự đoán đạt đỉnh 1,45 tỷ người vào năm 2030, sau đó sẽ sụt giảm còn một tỷ vào cuối thế kỷ này. Thất bại trong việc khuyến khích sinh nở gây ra nhiều lo ngại trong chính sách phát triển của Trung Quốc.
Theo thống kê, số người trong độ tuổi lao động từ 16 đến 59 tuổi ở Trung Quốc bắt đầu suy giảm từ năm 2012 và hiện là 902 triệu. Năm 2025, Trung Quốc sẽ có 7 triệu người nghỉ hưu một năm.
"Điều này sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống phúc lợi xã hội vốn yếu kém ở Trung Quốc", trích báo cáo của Trung tâm Kinh tế Trung Quốc. "Người lao động sẽ phải chịu thêm gánh nặng phụng dưỡng bố mẹ và ông bà".
"Khi lực lượng lao động Trung Quốc già hóa, chuyện khởi nghiệp và sáng tạo ở Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng", Liang, chủ tịch Ctrip, website cung cấp các dịch vụ đặt phòng và du lịch nói, nhận định. "Trong quốc gia có dân số già hóa, lao động trẻ luôn có địa vị thấp hơn, có ít kỹ năng quản lý hơn, ít nguồn lực tài chính hơn, và ít quan hệ xã hội hơn. Do đó, họ có ít năng lực khởi nghiệp hơn".
Các nhà hoạch định chính sách từng đề xuất giảm thuế cho những gia đình đông người và hạ thấp tuổi kết hôn hợp pháp xuống 18 (luật hiện tại là 20 với nữ và 22 với nam), nhưng chưa thực hiện.
Trong kỳ họp quốc hội thường niên dự kiến tổ chức vào tháng ba, Trung Quốc có thể cân nhắc giảm thuế hoặc trợ cấp cho những gia đình sinh con thứ hai. Ngoài ra, Bộ Y tế Trung Quốc tuyên bố kế hoạch bổ sung 89.000 giường trong các bệnh viện phụ sản, 140.000 y bác sĩ vào năm 2020. Thị trưởng Bắc Kinh công bố kế hoạch mở thêm 30.000 cơ sở trông giữ trẻ và xây thêm trường mẫu giáo.
Tuy nhiên, những kế hoạch này không thể đảo ngược xu hướng giảm sinh. Nhiều chính sách hỗ trợ đã được đưa ra trước đó như cho nghỉ thai sản 161 ngày có lương, một số tỉnh thành cho kéo dài thời gian nghỉ thai sản, thậm chí ở Tây Tạng, những người mới lên chức bố cũng được trả một tháng lương.
Nhà kinh tế học Ganli, đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, cho rằng những chính sách khuyến sinh của Trung Quốc quá xa vời để tạo ra sự khác biệt. Theo ông, những cặp vợ chồng ở Trung Quốc đang có xu hướng tập trung hơn vào sự nghiệp, ít quan tâm đến việc có một gia đình đông con như truyền thống.
"Tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, người dân có mức sống như những quốc gia phát triển có thu nhập cao. Do đó, chắc chắn xuất hiện xu hướng giảm sinh và tỷ lệ sinh đẻ sẽ ngày càng thấp, dù áp dụng chính sách khuyến sinh nào", ông nhận định.
Theo Hồng Hạnh/VnExpress