Hàng triệu chiếc xe có thể biến mất trên đường phố Đức sau khi tòa án liên bang cho phép các thành phố cấm xe chạy diesel để giảm ô nhiễm môi trường.
Các nhà hoạt động biểu tình ở Đức, nơi 1/3 xe chạy dầu diesel - Ảnh: REUTERS
Quyết định có thể kích hoạt các biện pháp tương tự trên khắp châu Âu.
Trong phán quyết ngày 27-2, tòa án hành chính liên bang ở Leipzig cho phép áp dụng ở Stuttgart và Düsseldorf, các thành phố có mức độ ô nhiễm thuộc hàng cao nhất châu Âu và là quê hương của các hãng xe nổi tiếng như Mercedes-Benz, Porsche hay trung tâm sản xuất ôtô.
Phán quyết mang tính lịch sử này có thể ảnh hưởng đến 12 triệu xe.
Ngay sau phán quyết, thành phố Hamburg tuyên bố sẽ hạn chế xe chạy diesel ngay từ tháng 4-2018. Dù vậy, giới chính trị gia lo ngại việc cấm xe chạy diesel có thể ảnh hưởng đến việc đi lại của hàng triệu người, đe dọa hàng trăm ngàn việc làm.
Chính quyền Thủ tướng Angela Merkel trước đó thậm chí ủng hộ các loại xe chạy diesel, cho rằng khí thải từ nhiên liệu này không tạo ra nhiều carbon dioxide gây hiệu ứng nhà kính.
Đối với ngành công nghiệp xe hơi Đức, lệnh cấm có thể tạo ra cơn địa chấn, nhất là sau khi đã chịu thiệt hại sau vụ Hãng Volkswagen thừa nhận gian lận kiểm tra khí thải diesel tại Mỹ năm 2015.
Trước đó, các thành phố như Paris, Madrid, Mexico City và Athens đã tuyên bố cấm xe chạy diesel lưu thông ở trung tâm từ năm 2025, trong khi các nước như Anh và Pháp sẽ cấm bán xe chạy diesel từ năm 2040.
Theo Trần Phương/ Tuổi Trẻ