Viện dẫn lý do gọi là "sự thụt lùi về dân chủ", Nhà Trắng thông báo cắt viện trợ quân sự và tạm dừng các chương trình hỗ trợ phát triển đối với Campuchia ngày 27-2.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày 25-2 - Ảnh: REUTERS
Động thái của Washington diễn ra ngay sau cuộc bầu cử Thượng viện Campuchia vừa được tổ chức vào ngày 25-2.
Kết quả sơ bộ cho thấy đảng cầm quyền Nhân dân của Thủ tướng Campuchia Hun Sen giành trọn vẹn 58 ghế bầu cử trong tổng số 62 ghế của Thượng viện; 4 ghế còn lại do Quốc vương Norodom Sihamoni và Hạ viện đề cử.
"Những thụt lùi về dân chủ ở Campuchia trong thời gian gần đây khiến nước Mỹ thật sự quan ngại, bao gồm cuộc bầu cử Thượng viện hôm 25-2"
Theo Nhà Trắng, trong vòng một phần tư thế kỷ, nước Mỹ đã giữ cam kết, trở thành quốc gia hỗ trợ cho sự phát triển của Campuchia, với số tiền viện trợ lên tới 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, "trước những sự thụt lùi dân chủ, Mỹ buộc phải xem xét lại các khoản viện trợ cho Campuchia, để bảo đảm rằng tiền của những người dân đóng thuế ở nước Mỹ sẽ không được sử dụng cho các hành vi chống lại dân chủ", thông báo của Nhà Trắng nhấn mạnh.
Trong tuyên bố tối 27-2 (giờ Mỹ), Nhà Trắng cho biết Washington sẽ chấm dứt hoặc tạm ngừng các chương trình viện trợ của Bộ Tài chính, USAID và quân đội Mỹ dành cho Campuchia.
Tuy nhiên, "Mỹ vẫn sẽ tiếp tục các dự án hỗ trợ người dân Campuchia trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, rà phá bom mìn, thúc đẩy xã hội dân sự và các lĩnh vực quan trọng khác".
Động thái mới của Mỹ dường như có phần đi ngược lại đồng minh Nhật Bản. Tokyo mới đây thông báo sẽ tài trợ 10.000 thùng phiếu cho cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 29-7 tới của Campuchia.
Theo hãng tin Reuters, sự quay lưng của Mỹ và các nước châu Âu bắt đầu hiện rõ sau khi Tòa án tối cao Campuchia ra phán quyết giải thể đảng Cứu quốc Campuchia, đảng đối lập lớn nhất ở nước này hồi tháng 11 năm ngoái.
Theo Bảo Duy/ Tuổi Trẻ