Cuộc sống gian khó hằn sâu lên gương mặt và tâm lý người Nga. Khi người Nga cười, đó là cả một sự khác biệt.
Trong nhận thức giao tiếp của người Nga, có một quy tắc: nụ cười phải thực sự phản ánh tâm trạng tốt và mối quan hệ tốt.
Nụ cười Nga. Ảnh: Shutterstock.
Trong nhiều thế kỷ, sự tồn tại hàng ngày ở Nga là cả một cuộc chiến gian lao để sinh tồn. Cuộc sống của một người Nga bình thường vốn nhiều khổ cực và nỗi lo lắng bám rễ sâu trong nét mặt của họ.
Trong bối cảnh ấy, một nụ cười phản ánh một ngoại lệ - đó là dấu hiệu của đời sống tốt, sự thịnh vượng, trạng thái tâm lý thoải mái, và người Nga dễ nhận ra điều đó.
Sự chân thành và cởi mở là những nét lớn trong văn hóa Nga. Đó là lý do vì sao các nụ cười Nga là điều hiếm hoi và chỉ xuất hiện trong những trường hợp được coi là thích hợp, thể hiện một cảm xúc hạnh phúc thực sự.
Dưới đây một vài kiểu cười điển hình của người Nga:
1. Cười ngậm miệng
Thường thì người Nga chỉ cười bằng môi, thi thoảng hé lộ hàng răng trên một chút xíu. Việc để lộ hàm răng trên và dưới bị coi là thô lỗ, vì trông cứ như là con vật nhe răng hay là một con ngựa vậy.
2. Nụ cười của kẻ phục vụ
Trong giao tiếp của người Nga, một nụ cười không được xem là tín hiệu của sự lịch thiệp. Người Nga coi nụ cười lịch sự thường trực là nụ cười của kẻ hầu hạ. Điều này được coi là biểu hiện của sự thiếu chân thành, sự bí hiểm và việc cố tình che giấu cảm xúc thật.
3. Không cười
Người Nga cho rằng cười với người lạ là điều không chấp nhận được. Người Nga chủ yếu cười với người họ biết. Đó là lý do vì sao người bán hàng không cười với khách hàng.
4. Cười đáp
Người Nga không tự động lấy một nụ cười để đáp lại một nụ cười. Nếu một người quen dùng một nụ cười để đáp lại một nụ cười, điều này được xem là lời mời hãy lại gần và bắt đầu nói chuyện.
5. Cười để thể hiện tình cảm trìu mến
Một nụ cười Nga thể hiện với người nhận được nụ cười đó rằng người đang cười có tình cảm trìu mến riêng tư với người tiếp nhận. Một nụ cười hướng vào người lạ có thể vấp phải phản ứng - “liệu chúng ta có quen nhau không nhỉ?”
6. Không cười khi làm công vụ
Người Nga không cười khi làm việc hay thực thi nhiệm vụ gì quan trọng. Nhân viên hải quan không cười vì đang tập trung vào chuyên môn. Điều tương tự xảy ra với người bán hàng và bồi bàn. Trẻ em không được phép cười trong lớp. Giáo viên Nga thường nhận xét: “Em cười gì, viết đi”.
7. Nụ cười chân thật
Trong nhận thức chung của người Nga, có một quy tắc là: Nụ cười phải phản ánh đúng trạng thái tâm lý tích cực và mối quan hệ tốt. Để có quyền cười, bạn phải thực sự thích ai đó và đồng thời có tâm trạng thực sự vui vẻ.
8. Cười không lý do
Nếu một người Nga cười, cần có lý do hợp lý đằng sau và mọi nhân chứng của nụ cười đó cần được biết lý do đó. Nếu lý do là không rõ ràng, người Nga có thể lo lắng tự hỏi lý do đằng nụ cười này là gì.
9. Nụ cười thích hợp
Những người xung quanh sẽ đánh giá xem nụ cười của bạn có phù hợp với hoàn cảnh không. Người ta không chấp nhận nụ cười trong hoàn cảnh gian khó và hay khi người khác gặp phải các rắc rối nghiêm trọng, hoặc nếu ai đó bị ốm và hoặc bận bịu với một số vấn đề cá nhân.
10. Cười to
Đối với người Nga, ranh giới giữa cười mỉm và cười to là không rõ rệt. Người Nga thường nói với người đang cười: “Có gì mà buồn cười thế?”/.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN Dịch từ RBTH