Đất nước Singapore vừa công bố kế hoạch đánh thuế thương mại điện tử, động thái sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong khu vực vốn đang là chiến trường khốc liệt của các ông lớn như Amazon và Lazada.
Tám trong số 12 nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát nói rằng dự thảo ngân sách được công bố ngày 19/2 sẽ bao gồm một khoản tới từ thuế thương mại điện tử. Một trong số 4 chuyên gia còn lại thì nghĩ tới một khoản thuế nhằm vào các giao dịch kỹ thuật số xuyên biên giới với mức độ tương tự thuế hàng hóa và dịch vụ.
Thái Lan, Indonesia và Malaysia cũng đang xem xét các kế hoạch đánh thuế tương tự.
Chính phủ các nước Đông Nam Á đang tìm cách "lấy lại công bằng" cho các nhà cung cấp truyền thống vì sự phát triển chóng mặt của bán lẻ trực tuyến trên các nền tảng như Lazada hay Amazon. BMI Research dự đoán thương mại điện tử ở 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ đạt 64,8 tỷ USD trong năm 2021, tăng từ 37,7 tỷ USD trong năm ngoái. Trong vài năm tới, mua bán trực tuyến sẽ vượt 6 đến 10 lần so với truyền thống.
Singapore
Đảo quốc sư tử dường như đang xây dựng một kế hoạch cụ thể nhằm đánh thuế thương mại điện tử. Chính sự bùng nổ của thương mại điện tử khiến giới chức Singapore cho rằng đánh thuế là biện pháp cần thiết để quản lý. Một bộ luật sẽ sớm được đưa ra nhưng cách thức quản lý vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Thái Lan
Nhà chức trách Thái Lan ước tính, thu thuế thương mại điện tử sẽ làm tổng số tiền thu thuế của Thái Lan tăng thêm 15%, cao gấp 3 lần so với bình thường. Theo một bản dự thảo đang được xem xét, thuế thương mại điện tử cao nhất sẽ là 15% và áp dụng cho các nhà cung cấp trực tuyến đăng ký tên miền tại Thái Lan và có hệ thống thanh toán bằng đồng bath hoặc nhận tiền từ các giao dịch từ Thái Lan.
Indonesia
Doanh thu từ thương mại điện tử đang bùng nổ sẽ góp phần làm tăng nguồn tiền cho nhà nước, đặc biệt là thuế. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati khẳng định chính phủ sẽ sớm đưa ra quy định mới về thuế thương mại điện tử sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan có liên quan.
"Nguyên tắc cơ bản là chúng ta sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng. Cách áp thuế đối với thương mại điện tử sẽ không khác gì so với các hình thức kinh doanh truyền thống, đặc biệt là đối với thuế đánh vào giá trị gia tăng", bà Indrawati nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhà chức trách Indonesia cũng đề cập tới nỗ lực bảo vệ doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nhiều khả năng, mức thuế áp dụng đối với những loại doanh nghiệp này sẽ thấp hơn.
Malaysia
Cục Hải quan Malaysia đã và đang đề cập đến kế hoạch đánh thuế với các nhà khai thác thương mại điện tử nước ngoài trong nhiều tháng qua. Nhiều khả năng Malaysia sẽ đi theo Singapore để áp dụng thuế này trong thời gian sớm nhất.
Theo Linh Anh/ Cafebiz