Cuộc chạy đua tìm ra phương thức kéo dài tuổi thọ của con người đánh trúng vào mơ ước của cả nhân loại nên ai giành chiến thắng sẽ là chiến thắng cực kỳ vẻ vang. Những kẻ lừa đảo cũng hiểu đó là cơ hội bằng vàng.
Mối quan tâm "trường sinh" của những người giàu có thu hút đủ mọi thành phần, từ các tay lừa đảo cho đến các nhà khoa học chân chính.
Bản thân công ty Calico là một cơ hội tuyệt vời cho các nhà nghiên cứu di truyền và sinh học. Họ có thể tập trung vào công tác nghiên cứu cơ bản trong điều kiện không ai thúc ép phải cho ra kết quả ngay.
Người đứng đầu Calico - nhà sinh học nổi tiếng người Mỹ David Botstein đã tuyên bố "đừng hòng" trông đợi kết quả nào từ phòng thí nghiệm của ông sớm hơn thời hạn 10 năm!
Vàng thau lẫn lộn
Chính tại Thung lũng Silicon, một nhóm bác sĩ phụ khoa thuộc Đại học Illinois đã huy động 65 triệu USD tài trợ cho công trình nghiên cứu tác dụng trẻ hóa của Metformin - một loại thuốc trị tiểu đường.
Để hấp dẫn và đánh vào tâm lý các nhà đầu tư công nghệ, họ nghĩ ra một khẩu hiệu rất kêu trong đơn xin tài trợ: "Tấm vé dẫn đến trường sinh cho quý vị!".
Đòn tâm lý trên cũng được các tay lừa đảo và cơ hội áp dụng một cách hiệu quả, vì chỉ có Thung lũng Silicon mới đủ tiền (và đủ điên) để đổ hàng trăm triệu USD vào các công ty khởi nghiệp trời ơi đất hỡi.
Chẳng hạn trước đây có một tay lừa đảo tên là Dzun Yun, anh ta lập ra một quỹ đầu tư trong lĩnh vực sức khỏe rồi đi dụ dỗ người giàu có bằng chiêu bài "trường sinh".
Tại một buổi tiệc tối nhân lễ trao giải thưởng sống lâu, Yun bước lên bục phát biểu hùng hồn: "Tôi cho rằng lão hóa đã được mã hóa trong cơ thể chúng ta. Và nếu cái gì đó được mã hóa, có nghĩa tồn tại một loại mã có thể giải. Một khi đã giải được, chúng ta có thể thay đổi nó!". Cả khán phòng gồm những ông trùm IT đứng dậy vỗ tay vang dội.
Chuyện lạ nhưng có thật: đôi khi những người giàu có và thông minh nhất hành tinh cũng có thể bị lừa dễ dàng bởi ngoại hình và miệng lưỡi khéo léo.
Aubrey de Grey - nhà nghiên cứu ở Cambridge, lập luận rằng sự lão hóa chỉ là một căn bệnh có thể chữa được. Con người già đi theo bảy quá trình cơ bản, ông nói, tất cả đều có thể được ngăn chặn để con người "có thể sống đến 1.000 tuổi" - Ảnh: YOUTUBE
Năm 2016, Nataniel David sáng lập ra công ty khởi nghiệp Unitu Biotechnology. Ông này thuyết phục thành công tỉ phú đồng tính Peter Thiel - nhà sáng lập công ty thanh toán qua mạng Pay Pal, chi hàng chục triệu USD cho một sáng kiến kinh doanh vô cùng tào lao.
Chẳng là công ty của David giới thiệu một loại thuốc có thể làm chậm sự phát triển khối ung thư ở chuột, kéo dài tuổi thọ của chúng thêm 35%. Vấn đề ở chỗ thuốc này chưa từng được thử nghiệm trên người và cũng không ai đề cập tới. Làm sao một nhà kinh doanh từng trải như Thiel có thể bị dụ dễ dàng như vậy?
Trả lời phỏng vấn báo New Yorker, David thừa nhận ngoại hình đã giúp anh ta đạt được mục đích. "Ở tuổi 49, David trông như tuổi 30. Ông có mái tóc sậm và dày, gương mặt không một nếp nhăn" - tờ New Yorker mô tả.
"Một số nhà đầu tư cảnh giác trước vẻ bề ngoài trẻ trung của tôi. Nhưng mấy ông anh ở Thung lũng Silicon giống Thiel thì cảnh giác trước những người trông già hơn 40 tuổi" - David khiêm tốn giải thích.
Sau tỉ phú Thiel đến lượt người đàn ông giàu có nhất thế giới cũng nhập hội: Jeff Bezos - nhà sáng lập trang thương mại điện tử Amazon. Tổng cộng "David trẻ trung" đã thu được từ Thung lũng Silicon 116 triệu USD!
Trong khi chờ loại thuốc tiên thử nghiệm trên... chuột, tỉ phú Thiel thực hành nhiều phương pháp trẻ hóa "nổi tiếng" hơn, chẳng hạn người ta nói ông thường xuyên đi... thay máu. Dành cho những người như Thiel, Thung lũng Silicon có thêm một công ty khởi nghiệp đặc biệt nữa gọi là "Ambrosia" do bác sĩ Jesse Karmazin thành lập.
Chuyên môn của Ambrosia là truyền máu từ người trẻ sang cơ thể người lớn tuổi. Hiệu quả y khoa của phương pháp này chưa được chứng minh, nhưng một số người khẳng định thay máu đã giúp họ trẻ lại!
Theo một số tin đồn không kiểm chứng, tỉ phú Thiel chi 160.000 USD mỗi năm để bơm máu thanh niên 18 tuổi vào cơ thể. Bản thân ông Thiel bác bỏ điều này, nhưng Ambrosia dường như không khi nào than phiền là thiếu bệnh nhân.
Nhà sáng lập Pay Pal Peter Thiel nổi tiếng là... ham sống lâu - Ảnh: REUTERS
Karmazin định giá mỗi lần truyền máu là 8.000 USD, và mặc dù người hiến máu không thiếu, Ambrosia chỉ thích máu của... nam thanh nữ tú địa phương, thành ra đây là một nguồn thu nhập không tồi cho các sinh viên.
Ngoài những tác động kể trên, một nguồn cảm hứng trường sinh khác dễ tác động lên các tỉ phú công nghệ chính là... sách vở. Nhà sáng lập Google Sergey Brin được cho là rất thích sách của triết gia người Israel Yuval Noah Harari.
Trong các tác phẩm của mình, ông Harari mô tả rằng trong một tương lai gần, những người giàu nhất thế giới sẽ tìm ra cuộc sống trường sinh và những khả năng trí tuệ mới, từ đó họ sẽ tạo ra một chủng tộc thượng đẳng gần với Chúa, trong khi phần còn lại của nhân loại sẽ bị xếp vào "hạ đẳng".
Tấm vé không dành cho tất cả
Ngày nay, cuộc thập tự chinh săn lùng phương thuốc trường sinh chưa mang lại kết quả thực tế nào. Bản thân các nhà triệu phú, tỉ phú cũng chết vì ung thư và chịu khổ sở vì bệnh mất trí nhớ như người thường.
Những người có bộ óc thông minh và khối tài sản khổng lồ đôi khi lại trông như những gã khờ, cũng giống các vị hoàng đế Trung Hoa khi xưa, họ sẵn sàng nuốt viên thủy ngân nếu tin điều đó có thể mang lại cuộc sống bất diệt.
Ngoài ra, còn một mặt trái khác đằng sau cơn sốt kéo dài sự sống đó. Ở mức độ nào đó, các tỉ phú của Thung lũng Silicon đã thay đổi hướng phát triển của ngành y như một môn khoa học.
Trong hai thế kỷ trở lại đây, các thành tựu y khoa đã tiến bộ vượt bậc, giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của nhân loại nói chung. Nhưng hầu hết những phát minh vĩ đại thay đổi cuộc sống con người đa phần là rẻ tiền và dễ tiếp cận.
Thuốc penicillin phát minh bởi Alexander Fleming là một ví dụ, ngày nay nó có mặt ở mọi nơi trên thế giới. Rồi các loại vắc-xin chống lại những căn bệnh nguy hiểm nhất bây giờ gần như miễn phí. Hay bất cứ sinh viên nào cũng có thể mua được thuốc tránh thai...
Nếu so với trước đây, ngành y hiện đại đang đi theo một hướng khác, trong đó các nghiên cứu bị tư nhân hóa bởi các nhà đầu tư. Trong số những người bảo trợ cuộc săn lùng thuốc trường sinh không chỉ có các tỉ phú đa cảm và dư tiền, ẩn trong đó còn có các tay doanh nghiệp thực thụ sẵn sàng trục lợi từ các phát minh mới.
Do đó, nếu công ty Calico bí ẩn quả thật tìm ra thuốc trường sinh, không cần phải nghi ngờ một điều là những nhà đầu tư của nó sẽ làm mọi cách để hưởng thành quả một mình. Với những người còn lại, cái giá của tấm vé đó đơn giản là quá đắt đỏ.
Theo Phúc Long/ Tuổi Trẻ