Cơ quan Liên Hợp Quốc vì người tị nạn Palestine đối mặt với khủng hoảng tài trợ tồi tệ nhất sau khi Mỹ giảm đóng góp hàng chục triệu USD.
Mỹ ngày 16/1 quyết định đóng băng 65 triệu USD trong 125 triệu USD dự kiến đóng góp cho cơ quan Viện trợ và Phúc lợi (UNRWA), hai tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa cắt viện trợ Palestine. Số tiền 60 triệu USD được thông qua nhằm giúp UNRWA duy trì hoạt động.
"Mỹ đã thông báo đóng góp 60 triệu USD cho ngân sách chương trình. Hiện chưa có dấu hiệu tài trợ thêm", Chris Gunness, người phát ngôn UNRWA, Liên Hợp Quốc, nói với AFP hôm nay.
Một người đàn ông Palestine nhận hàng viện trợ tại văn phòng Liên Hợp Quốc ở thành phố Gaza City ngày 15/1. Ảnh: AFP.
Giới chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh quyết định trên không nhằm gây áp lực với các lãnh đạo Palestine mà để khuyến khích các quốc gia khác tài trợ và giúp UNRWA cải tổ.
"Việc giảm đóng góp đáng kể dẫn đến cuộc khủng hoảng tài trợ tồi tệ nhất trong lịch sử UNRWA", theo Gunness. Trong năm tài khóa 2017, tính đến ngày 30/9, Washington hỗ trợ hơn 350 triệu USD cho cơ quan này.
Wasel Abu Youssef, quan chức Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), lập tức lên án quyết định của Mỹ, cho rằng Mỹ muốn bác bỏ các quyền của người Palestine và có liên quan đến việc Washington công nhận Jerusalem là thủ đô Israel ngày 6/12.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về khả năng UNRWA bị giảm hỗ trợ bởi đây là "một yếu tố quan trọng giúp duy trì ổn định". Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi đóng cửa UNRWA.
Quyết định của Mỹ có thể tạo thêm khó khăn cho nỗ lực khôi phục đàm phán hòa bình Israel - Palestine. Quá trình đàm phán sụp đổ năm 2014, chủ yếu vì Israel phản đối việc hai tổ chức người Palestine là Fatah, Hamas hợp nhất và Palestine muốn thiết lập nhà nước trên một số khu vực bị Israel chiếm đóng.
Theo Như Tâm/ Vnexpress