Triều Tiên và Hàn Quốc đang tìm kiếm cách thức tiến tới đối thoại sau một năm căng thẳng leo thang nguy hiểm.
Trong bài phát biểu đầu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đề nghị hai chính phủ bắt đầu các cuộc đối thoại chính thức, trong đó có mong muốn gửi một đoàn đại biểu Triều Tiên tới dự Thế vận hội Mùa Đông ở Hàn Quốc trong tháng 2.
Về vấn đề này, tạp chí Forbes dẫn lời Charles Morrison, một học giả cấp cao tại tổ chức cố vấn Trung tâm Đông – Tây ở Honolulu, nhận định ông Kim Jong Un muốn Triều Tiên và Hàn Quốc gặp nhau với điều kiện các vấn đề của đất nước ông được ưu tiên trong nghị trình.
Ông Kim Jong Un. (Ảnh: KCNA)
Theo hãng tin Yonhap, trong nửa năm qua, Hàn Quốc đã ngóng chờ đề nghị đối thoại liên Triều về quốc phòng và các cuộc đoàn tụ gia đình xuyên biên giới. Và, Seoul luôn theo đuổi mục tiêu thống nhất dần từng bước với miền bắc.
"Do không thể làm lay chuyển Washington hay Tokyo, Seoul là lựa chọn mềm mỏng hơn vào lúc này", ông Morrison nói, nhắc đến sự thù địch của Mỹ và Nhật Bản trước sự tăng cường sức mạnh quân sự của Triều Tiên.
Leif-Eric Easley, giáo sư về các nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha ở Seoul, cho rằng ông Kim Jong Un có thể đang cảm thấy áp lực từ cấm vận kinh tế. Các đòn trừng phạt được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hồi tháng 9 bao gồm cấm bán khí đốt và mua hàng dệt may đang trực tiếp đánh vào GDP 28,5 tỷ USD của Triều Tiên.
Theo giáo sư Easley, Triều Tiên sẽ đòi "nới lỏng" cấm vận, đầu tư vào các dự án liên Triều và giảm "mạnh" các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn. Các dự án như Khu công nghiệp chung Kaesong đóng cửa năm 2016 sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho miền Bắc, giúp xoa dịu áp lực cấm vận.
Nhưng các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẽ chỉ nhượng bộ khi Triều Tiên dừng phát triển vũ khí.
"Xây dựng lòng tin là điều tốt, đối thoại cũng tốt, nhưng sẽ không ổn nếu để Bình Nhưỡng tự do hoặc hợp pháp hóa các chương trình tên lửa và hạt nhân", giáo sư Easley nói thêm.
"Chẳng biện pháp nào nên được xem xét trừ khi Triều Tiên dừng thử nghiệm vũ khí và tên lửa, tái cam kết giải giáp hạt nhân theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các thỏa thuận đa phương đã đạt được trước kia".
Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn tới tận Mỹ, thêm vào chương trình bom khinh khí, đặc biệt nếu đối thoại với Hàn Quốc không hiệu quả. Nhưng nếu Kim Jong Un nghĩ có thể được gì đó từ đàm phán thì chính phủ của ông có thể giảm bớt thử nghiệm vũ khí để làm hài lòng Seoul – từ đó có thể dẫn tới nới lỏng cấm vận.
Quý cuối cùng của năm 2017 đã chứng kiến một khoảng thời gian im ắng sau liên tiếp các vụ thử tên lửa trong một năm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump rốt cuộc coi sự phản đối Triều Tiên của ông là cốt lõi cúa chính sách châu Á.
"Seoul quan tâm đối thoại để giảm căng thẳng, và sẵn lòng tìm kiếm thêm các cách thức khác để xoa dịu thêm", ông Morrison nhận xét. Hàn Quốc sẽ nhất trí các cuộc gặp xuyên biên giới giữa các gia đình ly tán sau cuộc chiến năm 1950, và một sự cắt giảm tập trận với Mỹ tới một mức nào đó. Seoul cũng sẽ khởi động hỗ trợ nhân đạo.
Theo Thanh Hảo/VietNamNet