Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á được dự báo sẽ gay gắt, khi Bắc Kinh nỗ lực hình thành trật tự an ninh ở khu vực.
Tổng thống Mỹ Trump, trái và Chủ tịch Trung Quốc Tâp Cận Bình. Ảnh: AFP.
"Thực hiện Chiến lược an ninh quốc gia mà chính quyền Trump vừa công bố, Mỹ sẽ dẫn đầu trong việc tập hợp các đồng minh và đối tác nhằm đối phó với các hoạt động lấn lướt của Trung Quốc", Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, trao đổi với VnExpress về bối cảnh an ninh ở khu vực trong năm 2018.
Chuyên gia lâu năm về châu Á phân tích xu hướng trên phản ánh "chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do" mà Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố tháng 11/2017. Hai thành phần chính của chính sách này là thương mại tự do mở, công bằng và tự do hàng hải - hàng không.
Ông Thayer nêu rõ "Bộ Tứ" mà Mỹ sẽ hình thành bao gồm nước này, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Đây được coi là bộ khung của lực lượng mà Mỹ tập hợp, có chung lợi ích nhưng không phải là đồng minh.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ đối phó bằng cách đưa ra những lợi ích kinh tế với các nước, thậm chí gây áp lực để ngăn chặn nhóm chống lại mình.
Do đó, mối quan hệ Mỹ - Trung được coi là một thách thức an ninh lớn ở châu Á. Tổng thống Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc vì tiếp tục cung cấp dầu cho Triều Tiên. Washington có thể thông qua các biện pháp đáp trả điều mà họ cho rằng Bắc Kinh giao dịch thương mại không công bằng và đánh cắp thông tin sở hữu trí tuệ của Mỹ. Việc Washington nêu rõ tên Bắc Kinh là đối thủ trong Chiến lược an ninh quốc gia cũng gây nên phản ứng từ phía Trung Quốc.
Bên cạnh cạnh tranh Mỹ - Trung, ông Thayer cho rằng Nga cũng muốn tăng cường ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương, bằng cách đứng ra làm trung gian cho Mỹ và Triều Tiên. Hợp tác Trung - Nga sẽ gia tăng khi Moscow và Washington gia tăng bất đồng ở cả châu Á và Trung Đông.
Giáo sư Masahiro Matsumura, Đại học St. Andrew, Nhật Bản, cũng đồng tình rằng cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ trở nên gay gắt ở châu Á trong năm mới.
"Trung tâm của cuộc chơi giằng - kéo giữa các cường quốc sẽ là Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Mỹ bị suy giảm vai trò lãnh đạo thì một Trung Quốc đang khao khát dẫn đầu sẽ nỗ lực để hình thành trật tự an ninh khu vực", ông Matsumura đánh giá.
Trump bị 'hút' vào Triều Tiên, Trung Quốc tăng cường ở Biển Đông
Giáo sư Thayer nhận định thách thức lớn nhất của an ninh châu Á trong năm 2018 chính là vấn đề Triều Tiên. Có dự báo cho rằng Bình Nhưỡng sẽ thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để vừa với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa.
Theo ông Matsumura, cuộc khủng hoảng Triều Tiên sẽ có vai trò chi phối các vấn đề an ninh khác ở khu vực, khi Mỹ và Trung Quốc liên kết nó với tình hình ở Biển Đông, Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Trên bề mặt, các nước liên quan như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản sẽ không tỏ ra căng thẳng để hợp tác nhằm giải quyết khủng hoảng Triều Tiên. Mặc dù vậy vẫn cần cảnh giác vì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có nhiều quyền hơn trong chính sách đối ngoại, sau khi củng cố quyền lực chính trị.
So sánh với tình hình ở Biển Đông, Giáo sư Rockford Weitz, Trường Fletcher, Đại học Tufts, Mỹ khẳng định Tổng thống Trump ưu tiên vấn đề Triều Tiên hơn.
"Dường như Tổng thống Mỹ có mối quan tâm cá nhân đối với vấn đề Triều Tiên, ông sẽ dành nhiều thời gian để xử lý so với các thách thức khác", ông Weitz nói.
Theo ông Weitz, Trung Quốc vì vậy sẽ tăng cường việc "thử phản ứng" của Mỹ và các nước có liên quan ở Biển Đông.
Giáo sư Thayer cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sự kiểm soát của mình ở 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, tăng cường quân sự hoá. Bắc Kinh có thể sẽ đưa thiết bị nạo vét quy mô lớn đến Biển Đông để mở rộng các đảo nhân tạo hiện có hoặc xây thêm các đảo mới. Trung Quốc cũng có thể triển khai lò phản ứng hạt nhân nổi đến Trường Sa để cung cấp điện cho khu vực.
Những lựa chọn của Việt Nam
Chuyên gia người Mỹ Weitz dự báo Trung Quốc có thể có các hoạt động xâm phạm về quyền đánh bắt cá và tài nguyên dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Ông cho rằng Việt Nam "nên làm chính xác những gì đang làm hiện nay", thực hiện chính sách khôn ngoan và logic, tăng cường quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, củng cố vị thế của mình.
Giáo sư Matsumura cũng gợi ý Việt Nam nên củng cố chiến lược cân bằng quan hệ với cả Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, tăng vai trò tích cực hơn trong ASEAN, thận trọng với sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc.
Theo ông Thayer, Việt Nam nên thể hiện sự tích cực trong đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc, ngoài việc nỗ lực nâng cấp quan hệ với các nước, tận dụng tối đa các quan hệ đối tác chiến lược.
"Việt Nam cần thể hiện rõ mình có có thể bảo vệ các đảo ở Biển Đông và bảo đảm hoạt động khai thác dầu khí ở đây", ông Thayer nhấn mạnh.
Theo Việt Anh/VnExpress