Báo cáo mới của một tổ chức cố vấn ở London, Anh cho hay, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt hoàn toàn Mỹ về quy mô vào năm 2032. Ngoài ra, trong nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới còn có 4 nước châu Á khác, gồm Nhật, Hàn, Ấn Độ và Indonesia.
Hãng thông tấn Nga Sputnik dẫn báo cáo của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh cho hay, 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2032 sẽ là Trung Quốc - đứng đầu, tiếp đó là Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Đức, Brazil, Anh, Hàn Quốc, Pháp và Indonesia.
Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của thế giới từ năm 2007. "Trung Quốc đã duy trì được khả năng hồi phục phát triển và đà cải tổ nhanh chóng", John Litwack, nhà kinh tế học hàng đầu của Ngân hàng Thế giới, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc cho hay. Theo chuyên gia này, năm 2017, GDP của Trung Quốc tăng 6,8%.
Viện Dân số và Kinh tế lao động thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) cũng thấy rằng nền kinh tế Trung Quốc "mới", các công ty và ngành dịch vụ dựa trên internet đã có mức tăng trưởng trung bình đáng ngạc nhiên, 16,1% trong thời gian 2007-2017, nhanh gấp đôi tổng thể kinh tế Trung Quốc.
Do kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh nên việc nó vượt Mỹ chỉ là vấn đề thời gian.
Trong khi đó, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ vượt Pháp và Anh vào năm 2018 nếu tính toán GDP danh nghĩa (tổng giá lượng nội địa theo giá cả thị trường hiện hành). Tới 2027, Ấn Độ cũng sẽ vượt Đức và Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Các nước mới sẽ gia nhập nhóm 10 nước có nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới là Hàn Quốc (hiện đứng thứ 11) và Indonesia (hiện đứng thứ 16). Nhật sẽ tụt một bậc, từ 3 hiện thời xuống 4. Như vậy, trong vài năm tới, 5 trong số 10 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới là sẽ các quốc gia châu Á.
Theo Hoài Linh/VietNamNet