Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết phản đối Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel với 128 nước thành viên bỏ phiếu ủng hộ.
Kết quả bỏ phiếu về quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Mỹ hiển thị trên màn hình tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/12. Ảnh: AFP.
Nghị quyết phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel được thông qua ngày 21/12 tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, gồm 193 thành viên, với tỷ lệ 128 ủng hộ, 9 phản đối, 35 phiếu trắng, AFP đưa tin.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Trump dọa cắt viện trợ các nước ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc. 21 quốc gia không bỏ phiếu, trong đó có Ukraine, từng ủng hộ nghị quyết tại Hội đồng Bảo an, cho thấy một số nước bị tác động bởi lời đe dọa từ ông chủ Nhà Trắng.
9 quốc gia phản đối gồm Guatemala, Honduras, Israel, Marshall Islands, Micronesia, Nauru, Palau, Togo và Mỹ.
Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour gọi kết quả bỏ phiếu là "bước lùi lớn" đối với Mỹ. Người phát ngôn Tổng thống Palestine mô tả đây là "thắng lợi cho Palestine" còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã cho thấy "sự phi pháp" trong quyết định của ông Trump, kêu gọi Mỹ thu hồi. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cảnh báo Washington "sẽ ghi nhớ ngày này".
"Mỹ sẽ chuyển đại sứ quán về Jerusalem. Không có cuộc bỏ phiếu nào tại Liên Hợp Quốc có thể thay đổi quyết định đó", bà Haley nói. "Tuy nhiên, diễn biến hôm nay khiến Mỹ có cái nhìn khác về Liên Hợp Quốc, về những quốc gia không tôn trọng chúng tôi tại Liên Hợp Quốc".
Theo bà Haley, khi đóng góp "hào phóng" cho Liên Hợp Quốc, Mỹ cũng kỳ vọng thiện chí của Washington được công nhận và tôn trọng.
Tổng thống Trump ngày 6/12 tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv về thành phố này, động thái vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Jerusalem là thánh địa đối với người Do Thái, người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Trạng thái của Jerusalem là một trong những vật cản lớn nhất đối với tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Israel chiếm Đông Jerusalem năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai.
Nghị quyết vừa thông qua, không nhắc trực tiếp đến Mỹ, "khẳng định mọi quyết định và hành động nhằm thay đổi đặc tính, trạng thái hay thành phần nhân khẩu học của thành phố Jerusalem đều không có hiệu lực pháp lý, vô giá trị, và phải bị thu hồi theo các nghị quyết Hội đồng Bảo an liên quan".
Theo Như Tâm/VnExpress