“Bộ đôi hạt nhân” hay “bộ tứ tên lửa” là những chuyên gia đầu ngành đứng sau sự phát triển của chương trình vũ khí Triều Tiên và là cánh tay phải đắc lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
"Bộ tứ tên lửa" Kim Jong-sik, Ri Pyong-chol, Jon Il-ho và Jang Chang-ha đứng cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong một vụ phóng thử tên lửa (Ảnh: KCNA)
Hồi tháng 11, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un ăn mừng vụ phóng tên lửa Hwasong-15 được đánh giá là mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên, vây quanh ông là một nhóm các quan chức và nhà khoa học hàng đầu. Mặc dù truyền thông nhà nước Triều Tiên không nêu rõ họ là ai, nhưng những gương mặt này đều từng được nhìn thấy đứng cạnh ông Kim Jong-un trong các sự kiện trước đó.
Họ, những người được gọi bằng các biệt danh như “bộ đôi hạt nhân” hay “bộ tứ tên lửa”, đã cùng nhau chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công bất kỳ thành phố nào của Mỹ và làm nên thành tựu khoa học vĩ đại tại quốc gia bí ẩn nhất thế giới.
3 trong số 4 thành viên của "bộ tứ tên lửa" Triều Tiên ăn mừng cùng ông Kim Jong-un khi theo dõi một vụ phóng tên lửa (Ảnh: KCNA)
Các nhà phân tích đã nhận diện 6 gương mặt thường xuyên xuất hiện bên cạnh ông Kim Jong-un trong những sự kiện quan trọng, trong đó có 4 người gắn bó với chương trình phát triển tên lửa và hai người phụ trách các vụ thử hạt nhân.
Hai thành viên trong “bộ tứ tên lửa” của Triều Tiên là các nhà khoa học. Đó là Giám đốc Học viện Khoa học Quốc phòng Jang Chang-ha, 53 tuổi và Jon Il-ho, 61 tuổi, người thường được truyền thông nhà nước Triều Tiên mô tả là “quan chức trong lĩnh vực nghiên cứu quốc phòng”.
Ông Jang Chang-ha và ông Jon Il-ho (Ảnh: AFP)
Người được cho là thành viên cấp cao nhất trong “bộ tứ tên lửa” là Ri Pyong-chol. Là cựu tư lệnh không quân, ông Ri hiện là Phó Giám đốc Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng thuộc đảng Lao động Triều Tiên.
Ông Ri Pyong-chol (Ảnh: KRT)
Thành viên tiếp theo trong “bộ tứ tên lửa” sát cánh cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un là Kim Jong-sik, 49 tuổi. Với nền tảng là một kỹ sư, ông Kim Jong-sik bắt đầu xuất hiện bên cạnh ông Kim Jong-un từ tháng 2/2016. Sự thăng tiến của ông gắn liền với thời kỳ Triều Tiên tiến hành liên tiếp các vụ phóng thử tên lửa. Mặc dù vậy, ông Kim Jong-sik và ông Ri không xuất hiện trong vụ thử tên lửa hồi tháng trước của Triều Tiên.
Ông Kim Jong-sik (Ảnh: KCNA)
Ri Hong-sop, Giám đốc Viện Vũ khí hạt nhân Triều Tiên, được cho là nhân vật số một trong chương trình hạt nhân của nước này. Ông từng bị liệt vào danh sách trừng phạt của Liên Hợp Quốc từ năm 2009.
Ông Ri Hong-sop (Ảnh: KCNA)
Thành viên còn lại trong “bộ đôi hạt nhân” của Triều Tiên là Hong Sung-mu. Ông từng là kỹ sư trưởng tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon - nơi “thai nghén” chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Hong Sung-mu (Ảnh: KCNA)
Các nhà khoa học và kỹ sư tại Triều Tiên luôn là những đối tượng được hưởng đặc ân từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Hình ảnh chụp các vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân của Triều Tiên do truyền thông nhà nước công bố cho thấy ông Kim Jong-un thường vui mừng ôm chầm các chuyên gia hoặc các nhà khoa học đứng cạnh ông.
Các nhà khoa học tên lửa hút thuốc cùng ông Kim Jong-un khi theo dõi một vụ phóng tên lửa (Ảnh: KCNA)
Trong bức ảnh chụp vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên hôm 29/11, ông Kim Jong-un được nhìn thấy mời thuốc các chuyên gia trong “bộ tứ tên lửa” của Triều Tiên. Đây được xem là sự đối đãi đặc biệt hiếm có tại một đất nước mà ông Kim Jong-un được tôn thờ như một đấng tối cao.
Các nhà khoa học đứng cạnh ông Kim Jong-un khi tới viếng lăng cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (Ảnh: KCNA)
Theo New York Times, việc ông Kim Jong-un hàng năm đến thăm lăng cố lãnh đạo Kim Nhật Thành được xem như nghi thức quan trọng nhất của chính quyền Triều Tiên. Theo đó, sự xuất hiện của “bộ tứ tên lửa” cạnh ông Kim Jong-un trong chuyến đi này hồi tháng 7 là dấu hiệu cho thấy địa vị cấp cao của họ tại nước này.
Thành Đạt/Dân trí
Theo New York Times