Giới quan sát cho rằng, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel chỉ đơn thuần khẳng định cam kết trong chiến dịch tranh cử hơn là dựa trên một chiến lược an ninh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hôm 6/12. (Ảnh: Washington Post)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dự kiến di dời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới đây.
"Tôi cho rằng đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Các tổng thống trước kia của Mỹ coi đây là một cam kết trong chiến dịch tranh cử của họ, nhưng cuối cùng không thực hiện được. Giờ đây, tôi sẽ hiện thực hóa nó”, Tổng thống Trump nói.
Với quyết định này, ông Trump đã tạo ra điều chưa có tiền lệ trong chính sách ngoại giao của Mỹ và có thể làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng cũng nhấn mạnh, Mỹ không đưa ra lập trường về "hiện trạng cuối cùng, bao gồm các ranh giới cụ thể về chủ quyền của Israel ở Jerusalem hay việc giải quyết các tranh chấp biên giới".
Vì sao ông Trump công nhận Jerusalem?
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty)
Năm 1995, quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật yêu cầu chuyển đại sứ quán tại Israel đến Jerusalem. Nhiều chính khách thân Israel ở Mỹ đã tìm cách gây sức ép buộc chính quyền phải di chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem
Tuy nhiên, tất cả đời tổng thống Mỹ đến giờ đều ký sắc lệnh hoãn việc dời đại sứ quán này mỗi 6 tháng một lần vì lo ngại động thái này có thể thổi bùng căng thẳng ở Trung Đông.
Trong khi đó, ông Trump coi đây là một cam kết lớn trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Giới quan sát cho rằng, quyết định công nhận Jerusalem của ông Trump có thể không dựa trên một chiến lược an ninh quốc gia nào, thay vào đó chỉ nhằm khẳng định và làm thỏa mãn những người bảo thủ của đảng Cộng hòa và các cử tri Do Thái cánh hữu rằng ông vẫn giữ những cam kết tranh cử.
Vai trò quan trọng của Jerusalem trong xung đột ở Trung Đông
Jerusalem được coi là nơi linh thiêng nhưng cũng thể hiện sự chia rẽ và xung đột giữa các tín ngưỡng khác nhau. (Ảnh: EPA)
Không chỉ là vùng đất tranh chấp dai dẳng giữa Israel và Palestine, Jerusalem còn được biết đến là thánh địa của cả 3 tôn giáo gồm Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Do thái giáo, những tín ngưỡng cùng chia sẻ nguồn gốc chung về Thánh Abraham.
Và do vậy, khi nhắc tới Jerusalem, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới sự chia rẽ và xung đột giữa những người theo những tôn giáo khác nhau
Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Aboul Gheit cảnh báo việc Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem sẽ là một “mồi lửa” làm bùng phát xung đột và bạo lực trong cả khu vực. Palestine cũng lo ngại rằng quyết định của Tổng thống Trump có thể làm chệch hướng các cuộc hòa đàm Trung Đông.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Giới chuyên gia lo ngại, kế hoạch về Jerusalem của Mỹ có thể thổi bùng căng thẳng Trung Đông. (Ảnh: Reuters)
Thậm chí trước khi Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Dải Gaza. Tổ chức Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007 đến tháng 10 năm nay đã kêu gọi tiến hành một cuộc nổi dậy khác nữa nếu kế hoạch của Tổng thống Trump được xúc tiến.
Các nước Ả Rập và giới chức Palestine cũng cảnh báo hậu quả thảm khốc sẽ xảy ra nếu Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Lãnh đạo Palestine đã kêu gọi thực thi 3 ngày "giận dữ" ngay sau khi Washington công bố ý định công nhận Jerusalem.
Liên đoàn Ả rập dự kiến nhóm họp khẩn cấp vào cuối tuần này theo đề nghị của Palestin và Jordan để thảo luận về tình hình hiện tại. Trong khi đó, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng dự kiến nhóm họp để bàn về vấn đề này.
Theo Minh Phương/Dân Trí