Mức lương tối thiểu của người dân Venezuela đã giảm xuống dưới 2 USD/tháng do siêu lạm phát tiếp tục phá vỡ nền kinh tế của đất nước này.
Tờ 100 bilivar. (Nguồn: Getty Images)
Theo tờ Breitbart News đưa tin hồi tháng trước, mặc dù Tổng thống Nicolás Maduro đã áp dụng năm bậc lương trong năm 2017, nhưng mức tối thiểu chỉ là 177.507 bolivar tương đương 4 USD/tháng.
Tuy nhiên theo tỷ giá hối đoái thực tế mới nhất, con số này hiện chỉ là 1,83 USD, bằng với mức lương tối thiểu trên thế giới là hơn một cent/giờ.
Người dân Venezuela cũng nhận được vé thực phẩm trị giá 279.000 bolivar/tháng. Khoản này khiến tổng thu nhập của người dân vào khoảng 3 USD/tháng, mặc dù hầu hết thực phẩm thiết yếu vẫn không có để bán hoặc người dân không có khả năng mua.
Trong tháng này, Tổng thống Maduro xác nhận rằng, Chính phủ sẽ phát hành một vé mua thực phẩm mới trị giá 100.000 bolivar nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tiền tệ của đất nước, khi từ lâu, mọi người dân phải sử dụng hàng cân tiền giấy để mua những sản phẩm nhỏ nhất.
Theo một tờ báo địa phương, tờ vé mua thực phẩm mệnh giá 100.000 bolivar này là tờ vé có giá trị cao nhất được phát hành trong lịch sử Venezuela hiện đại.
Tuy nhiên, hiện tờ tem phiếu này chỉ có giá trị tương đương hơn 1 USD và cũng sẽ nhanh chóng bị mất giá, Breitbart News đưa tin.
Động thái này diễn ra một năm sau khi Tổng thống Maduro cố gắng giảm áp lực cho người tiêu dùng bằng cách thu hồi những tờ bolivar mệnh giá 500, 1000, 2000, 10.000 và 20.000, vì tất cả những tờ tiền này đều không còn nhiều giá trị.
Trong khi, cách đây 10 năm, một tờ 100 bolivar có thể mua được một chiếc tivi, thì hiện tại, nó có giá trị khoảng 0,001 cent do kết quả của siêu lạm phát đến 99,99%.
Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng trong lúc tình trạng bất ổn về chính trị và những khoản nợ của Venezuela đang dần đến hạn phải trả.
Bên cạnh đó, áp lực đối với nền kinh tế của đất nước còn đến từ các biện pháp trừng phạt kinh tế được áp đặt bởi cả Mỹ và Liên minh Châu Âu, vốn chủ yếu nhắm vào công ty dầu khí quốc doanh của đất nước cũng như một số quan chức cấp cao của Chính phủ.
Trong những tuần gần đây, Venezuela đang quay sang Trung Quốc và Nga để cơ cấu lại nợ nhằm duy trì nền kinh tế đang rất lung lay của nước này. Mặc dù các nhà phân tích tin rằng điều này sẽ không làm giảm gánh nặng nợ chung, hiện đang ở mức khoảng 120 tỷ USD.
Theo đó, mức lạm phát chưa từng thấy đã dẫn dắt đất nước này rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến hàng triệu người sống trong cảnh đói nghèo do thiếu nguồn lực cơ bản như thực phẩm, điện, thuốc men, và các sản phẩm vệ sinh.
Lạm phát bắt đầu tăng nhanh vào năm 2007 và tăng tốc hơn nữa sau khi giá dầu sụt giảm vào năm 2012. Với tốc độ hiện tại, nó sẽ sớm được so sánh với Cộng hòa Weimar của Đức hoặc cuộc khủng hoảng lạm phát siêu lạm phát của Zimbabwe, trong đó người ta sử dụng xe cút kít để mua mặt hàng gia dụng hằng ngày và giới thiệu một phiếu ăn trị giá 100 nghìn tỷ đô la Zimbabwe.
Theo Hồng Vân/ Dân Trí