24
/
55617
Pháp và lời hứa đoạn tuyệt với thái độ thực dân tại châu Phi
phap-va-loi-hua-doan-tuyet-voi-thai-do-thuc-dan-tai-chau-phi
news

Pháp và lời hứa đoạn tuyệt với thái độ thực dân tại châu Phi

Thứ 5, 30/11/2017 | 07:34:41
329 lượt xem

Tổng thống Pháp Macron thăm châu Phi nhiều khả năng để chấm dứt cách ứng xử thời thực dân đối với châu lục này.

Chuyến công du châu Phi đầu tiên của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron có thể là thời điểm để chấm dứt cách hành xử mờ ám mang đậm dấu ấn thực dân Pháp với châu Phi trong nhiều thập kỷ qua.

Người trẻ nói với người trẻ

Về mặt lễ tân, đây là chuyến công du chính thức đầu tiên của ông Macron trên cương vị Tổng thống Pháp đến châu Phi. Nhưng trên thực tế, ông Macron không xa lạ với lục địa Đen. Khi còn là học viên của Học viện hành chính quốc gia (ENA) danh giá, ông Macron từng thực tập ở Nigeria. Và kể cả khi đã là Tổng thống, ông Macron cũng đã đặt chân đến châu Phi, trong hai chuyến đi chớp nhoáng trong vài tiếng đồng hồ thăm các đơn vị quân đội Pháp tại Mali.

Theo lịch trình, ông Macron thăm Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, dự Hội nghị thượng đỉnh châu Phi-châu Âu tại Bờ Biển Ngà rồi thăm Ghana. Việc ông Macron đi thăm Ghana, một thuộc địa cũ của Anh, gửi đi thông điệp cho thấy là chính quyền của ông Macron quan tâm tăng cường quan hệ không chỉ với các nước thuộc khối Pháp ngữ mà cả các quốc gia khác.

Tổng thống Pháp Macron (trái) ở châu Phi. Ảnh: BBC.

Trước chuyến thăm,  ông Macron đã đưa ra ưu tiên hàng đầu của mình trong chuyến công du này, đó là làm mới lại phạm trù “Francafrique”, tức phạm trù “Pháp Phi” trong chính sách đối ngoại của các đời chính quyền Pháp trước đây.

Để thực hiện điều đó, ông Macron hướng đến giới trẻ châu Phi. Ông Macron đã có bài phát biểu trước các sinh viên Burkina Faso tại trường Đại học Ougadougou để nói lên tầm nhìn cá nhân của ông về quan hệ giữa Pháp với châu Phi.

Trong bài phát biểu dài hiếm có, gần 3 tiếng đồng hồ, ông Macron đã gần như nhắc đến mọi thứ, từ các thách thức đối với tuổi trẻ châu Phi, đến các vấn đề mang tính toàn cầu: chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, thách thức dân số, đô thị hoá và dân chủ.

Ông Macron thậm chí đề cập đến cả các chủ đề được xem là “nhạy cảm”, như tội ác của nước Pháp trong thời thực dân hay kể cả một chủ đề cấm kị như vụ ám sát Thomas Sankara, Tổng thống Burkina Faso năm 1987.

Có thể nói, trọng tâm trong chuyến đi của ông Macron là làm mới lại hình ảnh nước Pháp vốn bị xấu đi khá nhiều trong vài năm qua ở châu Phi, và ông dùng chính lợi thế của cá nhân mình, là một Tổng thống trẻ có sức thu hút, để thực hiện điều đó.      

Và những gì ông Macron đã thể hiện, có thể xem như là một tín hiệu có thực về việc nước Pháp đang muốn làm mới lại quan hệ với châu Phi.

Đoạn tuyệt với Francafrique?

Sự làm mới mối quan hệ Pháp-Phi này thể hiện đầu tiên ở việc nước Pháp thời ông Macron muốn xây dựng lại hình ảnh của mình trong mắt các công dân châu Phi, đặc biệt trong giới trẻ vốn chiếm đa số trong dân số các nước châu Phi.

Các đời Tổng thống gần đây của Pháp, từ thời ông Nicolas Sarkozy cho đến ông François Hollande gây ra khá nhiều tranh cãi trong các hành động và phát biểu về châu Phi, từ sự can thiệp quân sự của Pháp vào Lybia, vào chính trường Bờ Biển Ngà hay các hành động phạm pháp của lính Pháp tại các nước cận Sahara.

Đó là chưa kể các phát ngôn không chuẩn mực của các ông Sarkozy hay của chính ông Macron vài tháng trước về “khoảng cách văn minh”… khiến nhiều nước châu Phi cảm thấy phẫn nộ vì bị phân biệt. Vì thế, sự làm mới quan hệ Pháp-Phi trước hết là làm mới lại hình ảnh của nước Pháp trong con mắt dân chúng châu Phi.

Tuy nhiên, nội hàm quan trọng nhất của “làm mới”, đó là việc xây dựng một tính chất mới cho mối quan hệ, thay cho mối quan hệ vẫn mang tàn dư thực dân thuộc địa những năm trước. Bao thập kỷ qua, khái niệm “Francafrique” hầu như đơn thuần là chỉ một thực tế: các mối quan hệ mờ ám giữa giới chức chính trị và các tập đoàn kinh tế Pháp với giới cầm quyền ở châu Phi. Trong mối quan hệ đó, giới tài phiệt kinh tế-quân sự Pháp thao túng, kích động, lật đổ các chính quyền dựa trên lợi ích của mình, điển hình như các diễn biến đã xảy ra ở Bờ Biển Ngà, Lybia hay Mali.

Nước Pháp của thời hiện tại có lẽ đã cảm nhận được việc cần phải thay đổi trong cách ứng xử với châu Phi, không thể chỉ xem đó là nơi để khai thác lợi ích mà còn là nơi phải đầu tư bằng các cam kết để giúp khu vực duy trì sự ổn định. Phần vì lợi ích của chính nước Pháp, phần vì sự cạnh tranh bắt đầu xuất hiện cùng sự hiện diện ngày càng mạnh hơn của các đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ.

Về phần mình, các nước châu Phi chờ đợi “sự làm mới” không phải ở các lời hứa hẹn mà phải bằng hành động cụ thể, bằng những khoản đầu tư vào kinh tế, trợ giúp đào tạo về nhân lực và trước mắt, quan trọng nhất, là hỗ trợ tài chính và kỹ thuật một cách lâu dài để tái lập sự ổn định chính trị tại các khu vực cận Sahara vốn đang phải đấu tranh với các nhóm khủng bố, các nhóm ly khai và các đường dây buôn người

Để tuổi trẻ châu Phi nhìn thấy tương lai

Có một chi tiết như sau: để có bài phát biểu trước 800 sinh viên Burkina Faso sáng 28/11, ông Macron cùng các cộng sự của mình đã phải chuẩn bị hàng tháng trời, qua rất nhiều cuộc họp, tham vấn với các thành viên Hội đồng Tổng thống về châu Phi, là cơ quan do ông Macron thúc đẩy lập ra cách đây vài tháng.

Tất cả chỉ để chắc chắn rằng, ông Macron sẽ không có bất cứ lời nói hớ nào và mọi mối quan tâm cấp thiết nhất của giới trẻ châu Phi hiện nay đều được đề cập. Điều này cho thấy sự thận trọng của ông trong chuyến công du này, nhất là trong đối thoại với giới trẻ châu Phi. Nguyên do là vì, do các mối quan hệ lịch sử lâu đời, rất nhiều nước châu Phi trước đây là thuộc địa của nước Pháp thực dân nên sự nghi kỵ với các chính sách của Pháp vẫn luôn tồn tại.

Tiếp theo, việc chính phủ Pháp ủng hộ nhiều chính quyền độc đoán ở châu Phi, với biện hộ từ phía Pháp là để duy trì sự ổn định, làm tăng bất mãn trong giới trẻ. Châu Phi là một châu lục trẻ, có độ tuổi trung vị chỉ là 20, nhưng rất nhiều người trẻ bị đẩy ra bên lề còn quyền lực thì lại do các lãnh đạo cao tuổi chiếm giữ suốt nhiều năm. Vì thế, hình ảnh về nước Pháp trong giới trẻ châu Phi còn khá nhiều tiêu cực.

Trong vài năm qua, cuộc khủng hoảng tị nạn càng làm cho điều này phức tạp hơn. Hàng trăm nghìn thanh niên châu Phi bỏ mạng trong các trại buôn người, trên biển Địa Trung Hải hay bị đối xử tệ hại trong các trại tị nạn ở Calais hay phải vật vờ trên đường phố nước Pháp… khiến sự ác cảm với nước Pháp tăng lên.

Ông Macron đang cố gắng xoá bỏ hình ảnh xấu đó, bằng cách hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp hơn cho giới trẻ châu Phi trên chính mảnh đất châu Phi.

Châu Phi không thể bỏ

Không chỉ đến thời ông Macron mà trong nhiều thập kỷ qua, châu Phi luôn là khu vực có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Pháp, do khu vực này có liên hệ lịch sử gắn bó chặt với nước Pháp trong quá khứ thuộc địa.

Đại đa số các nước Pháp ngữ là ở châu Phi và châu Phi cũng là khu vực hiếm hoi trên thế giới mà nước Pháp thể hiện được vị thế dẫn đầu của mình về kinh tế-quân sự, do không phải cạnh tranh với các cường quốc khác như Mỹ, Nga hay Trung Quốc.

Châu Phi, đặc biệt là châu Phi Pháp ngữ, là vùng đất ảnh hưởng truyền thống của Pháp và được sách trắng quốc phòng Pháp xem là nơi có lợi ích quốc gia quan trọng thứ hai với Pháp, chỉ sau châu Âu. Pháp hiện nay hiện diện mạnh cả về kinh tế lẫn chính trị, quân sự tại châu Phi. Quân đội Pháp đang triển khai các chiến dịch lớn với khoảng 5.000-6.000 quân để chống khủng bố ở Mali, ở CH Trung Phi cũng như dọc hành lang Sahel.

Dưới thời ông Macron, điều này cũng sẽ không thay đổi bởi lợi ích của Pháp về kinh tế lẫn địa chính trị tại châu Phi quá lớn, nên châu Phi vẫn sẽ là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Pháp.

Tuy nhiên, từ vài năm gần đây, Pháp đang tìm cách định hình lại chiến lược ở khu vực này, trong đó đề ra 3 hướng hành động: một là can thiệp quân sự dưới tư cách quốc tế, hai là thúc đẩy sự tham gia mạnh hơn của Liên minh châu Âu và ba là thiết lập các cơ chế an ninh ổn định hơn cho các quốc gia châu Phi.

Các hướng hành động này đều đang được thúc đẩy mạnh hơn dưới thời ông Macron, thể hiện một phần qua các chiến dịch quân sự Pháp đang tiến hành, phần khác ở các sự kiện như Pháp lập Hội đồng Tổng thống châu Phi hồi tháng 8 và ngay thời điểm này, là Hội nghị Thượng đỉnh châu Phi-châu Âu tại Bờ Biển Ngà./.

Quang Dũng/VOV.VN

  • Từ khóa

'NATO chưa sẵn sàng cho cuộc chiến kéo dài'

NATO trong thời gian dài đã quá chú trọng vào hoạt động chống khủng bố, thay vì để tâm đến một đối thủ hùng mạnh.
16:23 - 24/11/2024
331 lượt xem

Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đến Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam

Đầu giờ chiều 24-11, chuyên cơ chở Tổng thống Bulgaria Rumen Radev và Phu nhân hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt...
16:18 - 24/11/2024
316 lượt xem

Giới trí thức Hàn Quốc quá thất vọng, yêu cầu tổng thống từ chức

Tính đến ngày 22-11, hơn 3.000 giáo sư và nhà nghiên cứu từ 55 trường đại học tại Hàn Quốc đã đồng loạt chỉ trích và kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ...
12:12 - 24/11/2024
413 lượt xem

Pháp để ngỏ chuyện đưa quân đến Ukraine, Nga cảnh báo Pháp, Anh

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot khẳng định Paris không đặt ra bất kỳ “lằn ranh đỏ” nào liên quan đến việc hỗ trợ Ukraine.
08:29 - 24/11/2024
531 lượt xem

Nga tuyên bố tiếp tục tấn công bằng tên lửa Oreshnik

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ tiến hành nhiều cuộc tấn công nữa bằng tên lửa siêu thanh mới “không thể đánh chặn” mang tên Oreshnik.
20:41 - 23/11/2024
820 lượt xem