Chiều nay 16.11, Tòa án tối cao Campuchia ra phán quyết giải tán đảng CNRP, quyết định được xem là cú sốc lớn cho phe đối lập, theo Reuters.
Cảnh sát siết chặt an ninh trước Tòa án Tối cao Campuchia REUTERS
"Tòa quyết định giải thể CNRP và 118 cá nhân thuộc đảng này bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm kể từ ngày bản án được công bố", một thẩm phán nói trong khi tuyên án.
Không có dấu hiệu bạo động hay phản đối nào được ghi nhận bên ngoài tòa án ngay sau phán quyết được đưa ra trong khi cảnh sát chống bạo động phong tỏa nhiều tuyến đường xung quanh tòa án tại thủ đô Phnom Penh từ sáng 16.11, theo AFP.
Chính phủ Campuchia lẫn CNRP chưa đưa ra phản ứng nào và chưa rõ phán quyết sẽ được thi hành ra sao.
Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã kiến nghị Tòa án Tối cao giải tán CNRP sau khi chủ tịch đảng này, ông Kem Sokha bị bắt hôm 3.9 và truy tố tội phản quốc. Khoảng 20 nghị sĩ đối lập, bao gồm cả Phó chủ tịch CNRP Mu Sochua, đã tháo chạy ra nước ngoài sau khi Thủ tướng Hun Sen cảnh báo sẽ có thêm người bị bắt vì "âm mưu có hệ thống nhằm lật đổ chính phủ".
Việc CNRP bị giải thể xuất phát từ phần sửa đổi gây tranh cãi của Luật về các đảng chính trị được thông qua vào tháng 2 và tháng 7, theo tờ The Phnom Penh Post. Phần sửa đổi cấm những người bị kết tội hình sự giữ vai trò lãnh đạo trong đảng và cấm các đảng câu kết với tội phạm hoặc làm tổn hại an ninh quốc gia.
Hồi tháng 2, CNRP đã tiến hành bầu ông Kem Sokha (64 tuổi) làm chủ tịch mới sau khi ông Sam Rainsy bất ngờ từ chức. Sam Rainsy hiện sống lưu vong ở Pháp để tránh bị xét xử về tội phỉ báng Thủ tướng Hun Sen. Tháng 6.2016, ông Kem Sokha đã trốn trong trụ sở CNRP suốt 7 ngày để tránh bị bắt vì nhiều cáo buộc, bao gồm quan hệ bất chính với một phụ nữ và môi giới mại dâm. Lúc đó, ông tuyên bố bị vu khống, nhưng không xác nhận hay bác bỏ mối quan hệ với người phụ nữ này, theo Reuters.
Ngày 15.11, ngay trước thềm tòa án tối cao ra phán quyết, Sam Rainsy bất ngờ tuyên bố hoạt động chính trị trở lại, theo Reuters.
Những diễn biến trên xảy ra trước khi Campuchia tiến hành cuộc tổng tuyển cử quan trọng vào năm 2018. Lâu nay, mỗi khi bước vào các kỳ bầu cử, đảng CNRP thường sử dụng con bài kích động chống lại cộng đồng người Việt ở Campuchia cũng như gây rối về vấn đề biên giới nhằm kéo phiếu.
Theo Minh Quang/ Thanh Niên