Đại diện Liên Hợp Quốc cho biết, cơ quan này hết sức quan ngại trước tình trạng bạo lực leo thang khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa ở Bắc Iraq.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Stephane Dujarric hôm 23/10 cho biết, theo ước tính của Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), khoảng 136.000 người ở miền Bắc Iraq đã phải rời bỏ nhà cửa sau đợt leo thang căng thẳng gần đây tại khu vực.
Xe quân sự xuất hiện trên một con phố ở tỉnh Kirkuk, Iraq. Ảnh: Reuters.
Ông Dujarric cho biết, Liên Hợp Quốc hết sức quan ngại trước tình trạng bạo lực leo thang khiến ngày càng nhiều người dân phải rời bỏ nhà cửa, đồng thời kêu gọi tất cả các bên ngăn chặn những cuộc xung đột mới và giải quyết mọi vấn đề tồn đọng thông qua đối thoại.
Theo ông Dujarric, nhân viên cứu trợ của Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục trợ giúp thuốc men và các vật dụng khẩn cấp cho những người dân đang phải tạm trú trong các trại tị nạn.
Trước đó, hãng truyền thông người Kurd tại Iraq đưa tin, hàng nghìn người Kurd đã rời Kirkuk kể từ khi chính phủ trung ương giành quyền kiểm soát khu vực này.
Thị trưởng Erbil, thủ phủ vùng Kurdistan, ông Nawad Hadi cho biết, khoảng 18.000 hộ gia đình đã rời Kirkuk và thị trấn Tuz Khurmato để lánh nạn tại Erbil và Sualimaniya, hai thành phố nằm sâu bên trong lãnh thổ Kurdistan.
Bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương và cộng đồng quốc tế, chính quyền khu vực tự trị người Kurd tại Iraq đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân [bị chính quyền trung ương Iraq cho là vi hiến - ND] hồi cuối tháng 9 vừa qua – châm ngòi cho những căng thẳng tại khu vực này.
Chính phủ Iraq đã tiến hành một số biện pháp cô lập kinh tế và dùng quân sự để giành quyền kiểm soát tỉnh thành tranh chấp có nhiều tài nguyên giàu mỏ là Kirkuk.
Theo giới quan sát, bên cạnh niềm vui của cộng đồng người Arab và người Iraq gốc Thổ Nhĩ Kỳ khi quân đội Iraq tiến về Kirkuk, hàng nghìn người Kurd đã rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do lo ngại các cuộc bạo lực sắc tộc xảy ra. Tuy nhiên, chính phủ Iraq cam kết sẽ đảm bảo an ninh cho tất cả người dân tại khu vực này./.
Đình Nam/VOV.VN