Tiến sĩ Ian Storey - chuyên gia cao cấp của Viện Yusof Ishak (Singapore), nhận định về sự hiện diện của các nguyên thủ quốc gia tại các sự kiện lớn ở khu vực châu Á trong tháng sau.
Tháng sau, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tập trung về Đông Nam Á để tham dự hai sự kiện quan trọng: Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Đà Nẵng của Việt Nam và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Philippines.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: AFP
Sự có mặt (và vắng mặt) của các nhân vật quyền lực nhất thế giới tại hai sự kiện này nói lên rất nhiều thứ về những ưu tiên của họ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể không hào hứng lắm với các diễn đàn đa phương, nhưng ông sẽ có mặt ở cả APEC và EAS, chủ yếu là để trấn an các nước châu Á về cam kết của Mỹ đối với khu vực.
Về phần Nga, Tổng thống Vladimir Putin gần như chắc chắn sẽ tham dự APEC vì diễn đàn này phù hợp với chính sách chuyển hướng châu Á của Điện Kremlin. Cụ thể, Matxcơva xem đây là dịp để xây dựng quan hệ thương mại, đầu tư với các nền kinh tế lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương.
Nhưng khả năng ông Putin bay tiếp từ Đà Nẵng đến thủ đô Manila của Philippines để tham dự EAS lại không cao. Từ khi Nga gia nhập EAS năm 2011 đến nay, Tổng thống Putin chưa bao giờ tham dự các lần nhóm họp của diễn đàn này, thay vào đó ông cử Thủ tướng Dmitry Medvedev đi đại diện.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng "phân công" như tương tự: Chủ tịch Tập Cận Bình đi APEC, Thủ tướng Lý Khắc Cường tham dự EAS. Nhưng ít người thắc mắc sự thu xếp của Trung Quốc vì sức ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Đông Nam Á là rất lớn, không nhất thiết phải đánh giá qua sự hiện diện của ông Tập Cận Bình.
Còn quan hệ giữa Nga và Đông Nam Á lại khá khiêm tốn. Dù Nga bán nhiều trang thiết bị quốc phòng cho các nước ASEAN, giao thương giữa hai bên nhìn chung là yếu. Năm 2015, 15% kim ngạch thương mại của ASEAN là với Trung Quốc (346 tỉ USD), trong khi giao thương với Nga chỉ chiếm 0,6% (13 tỉ USD).
Sau Hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN (tại thành phố Sochi, tháng 5-2016), dù Nga cam kết sẽ tăng cường ảnh hưởng chính trị, kinh tế tại Đông Nam Á, Tổng thống Putin lại không xuất hiện ở Hội nghị EAS diễn ra chỉ vài tháng sau đó tại Vientiane (Lào).
Tại sao ông Putin không đến nếu Nga thật sự nghiêm túc (trong cam kết với ASEAN)?
Năm nay, ngoài việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3-2018, có vài yếu tố giải thích cho khả năng không có mặt của ông Putin tại Manila:
Thứ nhất, Nga theo đuổi chủ nghĩa đa cực, nhưng "đa cực" của Nga mang ý nghĩa vai trò quan trọng dành cho một số cường quốc, không phải tất cả các quốc gia dù lớn hay bé. Matxcơva chỉ hứng thú với các tổ chức đa phương nơi họ có sức ảnh hưởng thật sự, chẳng hạn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Hội đồng Bắc cực...
Tại EAS, Mỹ và Trung Quốc là hai cực kiểm soát, dù Nga có gửi ai đến diễn đàn này thì họ cũng không có sức ảnh hưởng. Vậy thì đi làm gì?
Thứ hai, Nga xem EAS chỉ mang tính biểu tượng, không có thực chất. Vậy thì, nếu đúng như một số ý kiến nhận xét EAS chỉ là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới gặp gỡ song phương bên lề, ông Putin có thể làm điều đó tại APEC, chỉ bỏ lỡ 4 nước là Campuchia, Lào, Myanmar và Ấn Độ. (Ấn Độ lại là thành viên khối BRICS, trong đó Nga có tham gia)
Lý do thứ ba là tính nhất quán. Tổng thống Putin đã không tham gia EAS kể từ khi Nga gia nhập năm 2011; nếu bây giờ ông ấy lại tham gia chẳng khác nào nói sự vắng mặt trước đây là... thiếu sót!
Cuối cùng, vẫn có khả năng ông Putin sẽ cố gắng quá bộ đến EAS vào năm kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, nhưng sự có mặt này có thể không mang ý nghĩa gì hơn là ngoại giao.
Theo Phúc Long/ Tuổi Trẻ