Điều 155 trong hiến pháp Tây Ban Nha cho phép Madrid có các biện pháp cần thiết để khống chế "khu vực có hành vi đe dọa lợi ích chung".
Lãnh đạo vùng Catalonia, Carles Puigdemont, ngày 10/10 ký bản tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha nhưng hoãn thi hành để đối thoại với Madrid.
Trước động thái đòi ly khai, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy không loại trừ khả năng áp đặt kiểm soát trực tiếp với khu vực. Để làm được điều đó, ông sẽ phải kích hoạt Điều 155 trong hiến pháp Tây Ban Nha - điều khoản chưa từng được sử dụng, theo AFP.
Một phụ nữ tham gia cuộc diễu hành đòi độc lập cho Catalonia ở Barcelona. Ảnh: Reuters.
Nhờ hiến pháp được thông qua năm 1978 sau nhiều thập kỷ tranh chấp dân sự và chế độ độc tài, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có quyền lực được phân chia nhiều nhất trong thế giới phương Tây. Họ có 17 vùng tự trị với mức độ kiểm soát khác nhau đối với các vấn đề như giáo dục và y tế.
Người dân Catalonia đòi độc lập đã đi bầu trong một cuộc trưng cần dân ý vào ngày 1/10. Chính phủ Tây Ban Nha cho rằng đây là hành động vi hiến.
Điều 155 nói rằng nếu chính quyền của một khu vực vi phạm hiến pháp hoặc "có hành vi đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích chung của Tây Ban Nha", Madrid có thể "có những biện pháp cần thiết để bắt buộc họ phải tuân thủ hoặc để bảo vệ lợi ích chung".
Điều 155 cho phép nhà nước - trong trường hợp này là chính quyền ở Madrid - "kiểm soát các thể chế chính trị và hành chính của khu vực nổi dậy", Teresa Freixes thuộc Đại học Tự trị của Barcelona nói.
Theo Javier Perez Royo, thuộc Đại học Seville, Madrid có thể "đình chỉ chính quyền khu vực, đặt lực lượng cảnh sát Catalonia dưới sự chỉ huy của Bộ Nội vụ" và thậm chí "đóng cửa nghị viện của khu vực".
Jose Carlos Cano Montejano, thuộc Đại học Complutense của Madrid, cho rằng chính quyền sau đó có thể tổ chức một cuộc bầu cử khu vực mới.
Tuy nhiên, các biện pháp như vậy có thể gây ra căng thẳng tại một khu vực đã chia rẽ nghiêm trọng về vấn đề ly khai và vốn luôn tự hào về sự tự chủ tương đối của họ.
Ông Rajoy không thể đơn phương kích hoạt Điều 155. Trước tiên, ông sẽ phải thông báo với ông Puigdemont về ý định của mình, để cho lãnh đạo Catalonia có thời gian suy nghĩ về việc "quy phục".
Tiếp theo, ông Rajoy sẽ cần sự đồng ý của thượng viện, nơi đảng của ông chiếm đa số. Một ủy ban phải ủng hộ đề xuất của thủ tướng và sau đó thượng viện sẽ biểu quyết.
Một thượng nghị sĩ giấu tên cho biết thủ tục này có thể mất một tuần để hoàn thành. Chuyên gia Perez Royo thì cho rằng phải mất "8 -10 ngày".
Nhưng Điều 155 chỉ là một trong nhiều lựa chọn ông Rajoy có để ngăn chặn Catalonia ly khai. Cano Montejano cho rằng chính phủ có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Theo luật Tây Ban Nha, điều đó sẽ giới hạn "quyền tự do đi lại và quyền tự do tụ tập" của công dân.
Madrid sẽ sử dụng tất cả vũ khí pháp lý để chặn đứng phong trào đòi độc lập, ông Rajoy nói trong một cuộc phỏng vấn cuối tuần trước.
Theo Phương Vũ/ Vnexpress