Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết dù họ để ngỏ các kênh liên lạc, Triều Tiên không tỏ ý quan tâm đến đàm phán từ bỏ vũ khí hạt nhân.
"Dù đã có đảm bảo rằng Mỹ không quan tâm đến thúc đẩy chính quyền đương nhiệm sụp đổ, thay đổi chế độ, thúc đẩy tái thống nhất bán đảo Triều Tiên hay di chuyển lực lượng về phía bắc khu phi quân sự (DMZ), Triều Tiên không có dấu hiệu nào chứng tỏ họ quan tâm hay sẵn sàng đàm phán về phi hạt nhân hóa", AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết ngày 30/9.
Bình luận trên được đưa ra không lâu sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cùng ngày nói Mỹ đã mở các kênh đối thoại với Triều Tiên.
Heather Nauert, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: Washington Examiner.
"Chúng tôi hỏi 'các bạn có muốn đàm phán?'. Chúng tôi có các đường dây liên lạc với Bình Nhưỡng. Chúng tôi không rơi vào tình thế đen tối, cắt đứt liên lạc. Chúng tôi có thể đàm phán với họ", ông Tillerson cho biết.
Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đang leo thang. Hai nước liên tục đấu khẩu, đe dọa lẫn nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu Washington buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ đồng minh trước một cuộc tấn công từ Bình Nhưỡng. Triều Tiên cảnh báo Mỹ không nên coi nhẹ lời đe dọa cho Trump "nếm mùi lửa" của Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Triều Tiên đầu tuần cáo buộc Tổng thống Trump tuyên chiến với Triều Tiên, cảnh báo Bình Nhưỡng sẵn sàng bắn hạ oanh tạc cơ của Washington để tự vệ. Nhà Trắng bác bỏ, gọi đây là cáo buộc "lố bịch", và Triều Tiên dọa bắn phi cơ Mỹ trên không phận quốc tế là "không phù hợp".
Giới quan sát lo ngại Triều Tiên có thể thử hạt nhân trên bầu khí quyển ở Thái Bình Dương như ngoại trưởng Triều Tiên từng cảnh báo và Mỹ sẽ cảm thấy có nghĩa vụ thực hiện biện pháp quân sự. Các quan chức Mỹ cấp cao thừa nhận lựa chọn quân sự không mấy hứa hẹn do thủ đô Seoul đông đúc của quốc gia đồng minh Hàn Quốc nằm trong tầm bắn của pháo binh Triều Tiên.
Theo Như Tâm/ Vnexpress