Lo ngại nguy cơ núi lửa Agung ở miền Đông hòn đảo nghỉ dưỡng Bali nổi tiếng của Indonesia phun trào, một số nước đã khuyến cáo công dân của mình thận trọng khi tới khu vực này, trong khi giới chức sở tại đang khẩn trương sơ tán hàng chục nghìn người dân sống trong vùng nguy hiểm.
Núi Agung trên đảo Bali nhả khói và phun tro bụi ngày 21-9. Ảnh: AFP.
Ngày 25-9, các nước Australia, New Zealand, Singapore, Mỹ và Anh đã ra khuyến cáo tại thời điểm này, các công dân nên hạn chế đến những khu vực bị ảnh hưởng. Đồng thời cảnh báo hoạt động núi lửa gia tăng tại núi Agung có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động vận tải hàng không tại Bali, một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất trên thế giới. Sân bay quốc tế Bali hiện đang hoạt động bình thường.
Trong khi đó, nhà chức trách Indonesia đã áp đặt khu vực cấm đi lại trong phạm vi bán kính 12 km xung quanh khu vực núi lửa Agung. Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB) cho biết toàn bộ 62.000 người sống trong “vùng nguy hiểm” gần núi lửa cần sơ tán và đã có 50.000 người tạm lánh đến những nơi an toàn tại những ngôi làng lân cận.
Tối 22-9, Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai và khí tượng học Indonesia (PVMBG) đã nâng cảnh báo nguy hiểm do núi lửa Agung tại đảo Bali lên cấp độ 4 - mức cảnh báo cao nhất và yêu cầu mọi người tránh xa miệng núi lửa trong vòng bán kính 9 km. Nhà chức trách địa phương cho biết trong ngày 24-9, các cơn rung chấn đã trở nên mạnh hơn, nhưng hiện tượng phun trào chưa xảy ra.
Nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, tại Indonesia hiện có gần 130 ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động, nhiều nhất trên thế giới.
Theo Tin tức