Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết tư cách thành viên NATO là sự đảm bảo an ninh tốt nhất cho Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết Mỹ đang thúc đẩy tư cách thành viên NATO của Ukraine vì cho rằng đó là sự đảm bảo an ninh tốt nhất cho Kiev.
Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York hôm 19-12, ông Blinken cũng gợi ý rằng "phương án đảm bảo tốt" khác có thể là sự hiện diện của một lực lượng quân sự châu Âu tại Ukraine sau khi thỏa thuận hòa bình lâu dài được ký kết.
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte (phải) bắt tay Ngoại trưởng Anthony Blinken. Ảnh: EPA-EFE
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ chỉ ra rằng tư cách thành viên NATO và phòng thủ tập thể dựa trên Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là những sự đảm bảo an ninh hiệu quả nhất, bao gồm đối với Ukraine.
Khi được hỏi liệu Mỹ, Đức và một số quốc gia thành viên NATO khác có cản trở sự gia nhập của Ukraine hay không, ông Blinken đã phủ nhận.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Không, chúng tôi không cản trở. Chúng tôi đã đưa Ukraine vào lộ trình trở thành thành viên NATO. Các hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra liên tiếp cho thấy rất rõ về điều đó".
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng: "Lần đầu tiên trong lịch sử NATO, chúng tôi đã thành lập một bộ chỉ huy chuyên trách để giúp Ukraine về điều này, thực hiện các bước thiết thực mà nước này cần thực hiện - tiếp tục xây dựng và cải cách các thể chế quân sự, tiếp tục củng cố nền dân chủ - những bước cần thiết để trở thành thành viên. Chúng tôi đang đưa Ukraine đi theo hướng này. Đồng thời, tôi tin rằng Ukraine sẽ và nên là thành viên NATO và Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là sự đảm bảo tốt nhất mà chúng ta có".
Ông Blinken thừa nhận Nga sẽ khó chấp nhận việc Ukraine gia nhập NATO, do đó cũng nên cân nhắc các lựa chọn khác để đảm bảo an ninh cho Ukraine trong tương lai. Theo ông, việc có thể triển khai quân đội châu Âu đến đường ranh giới phân định trong tương lai sẽ là một sự đảm bảo tốt.
Tuy nhiên, ông Blinken nhấn mạnh tùy thuộc vào việc Ukraine quyết định khi nào và trong trường hợp nào họ sẽ bắt đầu đàm phán với Nga cũng như điều gì họ xem là một nền hòa bình "công bằng".
Song song đó, ông Blinken giải thích chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện vẫn chưa thấy mong muốn đàm phán đáng kể từ phía Nga. Do đó, Mỹ không có lý do gì để tiếp tục đàm phán với Moscow trong cuộc xung đột.
Theo Xuân Mai/NLĐO
https://nld.com.vn/my-bat-ngo-noi-dang-thuc-day-tu-cach-thanh-vien-nato-cho-ukraine-196241220102928243.htm