Việc chính phủ lâm thời ở Bangladesh bãi nhiệm ngay lập tức đại sứ nước này ở một số nơi trên thế giới gây bất ngờ không nhỏ ở trong cũng như ngoài Bangladesh.
Ông Muhammad Yunus đảm trách cương vị thủ tướng tạm quyền của Bangladesh chưa được bao lâu và từ thời điểm đó đến nay gần như chưa có phát ngôn hay tuyên cáo nào về chính sách đối ngoại của chính phủ lâm thời.
Ông Muhammad Yunus phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 27.9.2024 Ảnh: Reuters
Theo những gì được chính phủ lâm thời Bangladesh công bố thì đại sứ nước này ở LHQ, Bỉ, EU, Anh, Ấn Độ, Bồ Đào Nha và Úc bị bãi nhiệm và bị triệu hồi về nước ngay lập tức. Những chuyện như thế này không phải chưa từng xảy ra nhưng rất hiếm, nhất là về phương diện mức độ gấp gáp của vụ việc.
Đằng sau động thái bất ngờ này rất có thể là ba chủ ý lớn của ông Yunus và chính phủ lâm thời Bangladesh.
Thứ nhất là chủ ý phát đi thông điệp về tách biệt hoàn toàn khỏi thời kỳ cựu Thủ tướng Sheikh Hasina về nhiều phương diện chính sách, trong đó có cả đối ngoại.
Thứ hai là chủ ý tạo diện mạo đối ngoại mới cho Bangladesh thông qua việc bố trí lại nhân sự cho những cơ quan đại diện ngoại giao thuộc diện quan trọng và nhạy cảm nhất đối với Bangladesh.
LHQ là diễn đàn đa phương quy tụ hầu hết các quốc gia và đối tác trên thế giới, Ấn Độ là nước láng giềng đối tác quan trọng nhất của Bangladesh, Anh và Úc là hai trong số những thành viên có ảnh hưởng lớn trong Khối thịnh vượng chung, Bỉ và EU cùng Bồ Đào Nha là những địa chỉ trụ cột trong mạng lưới quan hệ đối ngoại của Bangladesh ở châu Âu.
Thứ ba là chủ định chuẩn bị dư luận cho những điều chỉnh chính sách đối ngoại trong thời gian tới, xác định lại ưu tiên và đánh giá lại đối tác. Mối quan hệ của Bangladesh với Ấn Độ và EU có thể sẽ bị tác động trực tiếp đầu tiên.
Theo Phạm Lữ/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/phia-sau-dong-thai-bat-ngo-cua-bangladesh-185241003220735994.htm