Chính quyền quân sự Myanmar cho phép một số dân thường được mang theo vũ khí, mở rộng hoạt động huy động dân chúng vượt ra ngoài chế độ nghĩa vụ quân sự, theo Nikkei Asia.
Vào giữa tháng trước, chính quyền quân sự Mynamar được cho là đã thành lập các nhóm an ninh cấp tiểu bang và cấp huyện, với một số thành viên nhất định được trang bị vũ khí dưới sự giám sát của một ủy ban trung ương, theo Nikkei Asia hôm nay 3.9.
Một yếu tố chính dẫn tới quyết định thành lập các nhóm an ninh như trên của chính quyền quân sự Myanmar có thể là việc nhóm nổi dậy Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) chiếm giữ một căn cứ chỉ huy quân sự vào cuối tháng 7 tại thị trấn Lashio ở bang Shan thuộc tây bắc Myanmar, theo Nikkei Asia.
Một thành viên của Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) cầm súng trường khi canh gác gần một căn cứ quân sự ở khu vực Kokang ngày 11.3.2015
Tại một cuộc mít tinh trong tuần trước ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Min Aung Hlaing nhấn mạnh "liên quan đến an ninh công cộng, một hệ thống an ninh phải được triển khai và thực hiện với sự tham gia của người dân", có thể muốn nhắc đến động thái lập các nhóm an ninh.
Phát ngôn viên quân đội Myanmar Zaw Min Tun xác nhận với BBC rằng việc thành lập các nhóm an ninh và giải thích rằng họ sẽ chủ yếu bao gồm những người đàn ông trên độ tuổi nghĩa vụ quân sự là 35 và một số người trong số họ sẽ được cấp súng. Ông Zaw Min Tun cho biết thêm các nhóm này sẽ hoạt động chủ yếu ở những khu vực thành thị.
Trong tháng 10.2023, ba nhóm vũ trang dân tộc ở Shan, bao gồm cả MNDAA, đã tuyên bố một cuộc tấn công phối hợp để lật đổ chính quyền quân sự Mynamar. Một nhóm khác trong số này, Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang, đã mở rộng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của mình đến gần Mandalay và trong tuần trước tuyên bố sẽ thành lập một chính quyền lâm thời để quản lý các khu vực dưới sự kiểm soát của mình vào năm tới.
Khi cuộc giao tranh tiến gần hơn đến các thành phố lớn, các nhóm vũ trang dân tộc đang phối hợp với các nhóm Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) ở Myanmar. Chính quyền quân sự không có đủ nhân sự để đối phó các nhóm PDF và nhiều nhóm du kích chỉ bằng binh sĩ và cảnh sát.
Tình hình bất ổn gần Mandalay đang bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Công ty Sembcorp Industries của Singapore đã đóng cửa một nhà máy điện chạy bằng khí đốt lớn trong khoảng 10 ngày vào tháng trước vì lý do an ninh, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện ở thành phố Yangon, và liên doanh điều hành sân bay quốc tế Mandalay đã sơ tán nhân viên người Nhật đến một trung tâm khác.
Chính quyền quân sự Myanmar lo ngại về những hậu quả ngoại giao tiềm tàng nếu các doanh nghiệp Trung Quốc bị ảnh hưởng. Trong tháng trước đã xuất hiện thông tin rằng các lực lượng chống chính quyền quân sự Myanmar đã chiếm một trong những mỏ niken lớn nhất của Myanmar, do một công ty Trung Quốc điều hành.
Trong tuần trước, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật trên bộ và trên không ở phía biên giới của mình giáp với Myanmar, nhằm kiềm chế tình trạng bất ổn ở phía bên kia.
Tuy nhiên, cuộc tấn công của các lực lượng chống chính quyền quân sự Myanmar không có dấu hiệu dừng lại, làm dấy lên những câu hỏi về cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào năm 2025 và cuộc điều tra dân số sẽ được tiến hành vào tháng 10 tới để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử, theo Nikkei Asia.
Theo Văn Khoa/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/chinh-quyen-myanmar-cap-vu-khi-cho-dan-sau-khi-phe-noi-day-chiem-can-cu-lon-185240903100828809.htm