Trung Quốc bày tỏ 'không hài lòng' với những cáo buộc của EU về vấn đề Biển Đông, sau khi EU lên án 'những hành động nguy hiểm' của tàu hải cảnh Trung Quốc đối với tàu Philippines.
Ảnh chụp màn hình video được lực lượng tuần duyên Philippines quay và công bố hôm 31-8, cho thấy một tàu hải cảnh Trung Quốc (trái) va chạm với tàu tuần duyên Philippines BRP Teresa Magbanua gần bãi Sa Bin ở Biển Đông - Ảnh: AFP/Lực lượng tuần duyên Philippines
Theo Hãng tin Reuters ngày 2-9, Trung Quốc vừa kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) "khách quan, công bằng" và thận trọng trong lời nói cũng như hành động về các vấn đề ở Biển Đông, sau khi khối này ngày 1-9 bình luận về một sự cố xảy ra cuối tuần qua.
Tuyên bố trên được phái đoàn Trung Quốc tại EU đưa ra. Họ nhấn mạnh Bắc Kinh "rất không hài lòng" với những cáo buộc của EU về vấn đề Biển Đông.
"EU không phải là bên liên quan trong vấn đề Biển Đông và không có quyền đưa ra cáo buộc về vấn đề này" - phái đoàn Trung Quốc tại EU nhấn mạnh.
Họ nói thêm việc EU liên tục "thổi phồng" vấn đề tự do hàng hải sẽ "không có lợi cho lợi ích và uy tín quốc tế của EU".
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc đã gia tăng trong những tuần gần đây sau một loạt cuộc đụng độ và sự cố trên không, trên biển tại bãi Sa Bin ở Biển Đông. Bãi Sa Bin nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hôm 31-8, hải cảnh Trung Quốc tố một tàu Philippines đã "di chuyển bất hợp pháp" vào bãi Sa Bin, kéo mỏ neo và "cố tình va chạm" với tàu của Bắc Kinh. Lực lượng tuần duyên Philippines cũng lên tiếng tố tàu của Trung Quốc "cố tình" đâm vào tàu của Manila.
Vụ va chạm gần bãi Sa Bin là cuộc đối đầu trên biển thứ năm của hai nước trong một tháng qua, theo Reuters.
Trong tuyên bố hôm 1-9, EU cho biết họ lên án "những hành động nguy hiểm của tàu hải cảnh Trung Quốc đối với các hoạt động hàng hải hợp pháp của Philippines" trên biển.
Cơ quan Hành động đối ngoại của EU nói rằng các sự cố gần đây giữa Trung Quốc và Philippines "gây nguy hiểm cho tính mạng con người trên biển và vi phạm quyền tự do hàng hải và hàng không mà tất cả quốc gia đều được hưởng theo luật quốc tế".
Theo Thanh Bình/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/trung-quoc-len-tieng-sau-khi-bi-eu-to-gay-nguy-hiem-cho-tau-philippines-o-bien-dong-20240902091428747.htm