Tổng thống Belarus Lukashenko cho rằng Ukraine có thể đã phát động chiến dịch tấn công vùng Kursk để khiêu khích phản ứng quyết liệt từ Nga, chẳng hạn như việc sử dụng vũ khí hạt nhân, làm tổn hại đến hình ảnh của Nga.
Binh sĩ Ukraine tại thị trấn Sudzha thuộc vùng Kursk của Nga - Ảnh: WASHINGTON POST
Theo Đài Russia Today, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Russia-1 phát sóng hôm 18-8, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cảnh báo hoạt động của Ukraine ở vùng Kursk gây ra những rủi ro rất lớn cho an ninh toàn cầu.
"Mối nguy hiểm là sự leo thang này của Ukraine là một nỗ lực đẩy Nga vào các hành động không cân xứng, chẳng hạn như việc sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Lukashenko nói.
Ông cũng cho rằng một động thái như vậy sẽ gây tổn hại không thể cứu vãn với hình ảnh của Nga trên toàn cầu.
"Khi đó, có lẽ chúng ta sẽ chẳng còn đồng minh nào nữa. Không có quốc gia nào còn tán thành nữa", ông nói, giải thích đây sẽ phản ứng dựa trên sự phản đối với hậu quả do vũ khí hạt nhân gây ra.
Giới chức Ukraine tuyên bố mục tiêu tấn công Kursk là nhằm cải thiện vị thế đàm phán với Nga.
Ông Lukashenko cho rằng đây là "một kế hoạch kinh điển nhưng không hiệu quả trong cuộc chiến chống lại một đế chế lớn thậm chí còn chưa bắt đầu chiến đấu nghiêm túc". Ông cũng khẳng định chắc chắn lực lượng Ukraine sẽ bị đẩy lùi khỏi vùng Kursk.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông Lukashenko cho rằng Nga và Ukraine cuối cùng phải giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán, nếu không cuộc xung đột giữa hai nước "sẽ kết thúc với sự hủy diệt hoàn toàn Ukraine".
Theo học thuyết hạt nhân hiện tại, Nga chỉ có thể triển khai kho vũ khí hạt nhân của mình "để đáp trả việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga hoặc các đồng minh của nước này, và trong trường hợp xảy ra tấn công xâm lược Nga bằng vũ khí thông thường nhưng đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước Nga".
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng nước này không cần sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột với Ukraine.
Matxcơva từng cảnh báo có thể thay đổi học thuyết hạt nhân, nhấn mạnh bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ là để đáp trả những gì họ coi là động thái leo thang của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Căng thẳng cũng đã tăng cao tại biên giới Belarus - Ukraine, trong bối cảnh Ukraine bất ngờ tấn công qua biên giới Nga vào ngày 6-8. Ngày 18-8, Tổng thống Belarus Lukashenko tuyên bố nước này đã huy động gần 1/3 lực lượng vũ trang dọc biên giới với Ukraine. Trong khi đó, Hãng thông tấn Belta cho biết Ukraine đã triển khai hơn 120.000 binh sĩ tại biên giới với Belarus. Trước đó vào hôm 16-8, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho rằng có khả năng cao xảy ra hành động khiêu khích vũ trang từ Ukraine và tình hình tại biên giới chung của hai nước "vẫn căng thẳng". |
https://tuoitre.vn/tong-thong-belarus-ukraine-dang-ep-nga-dung-vu-khi-hat-nhan-20240819113032629.htm