Chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2006 Muhammad Yunus đã được bổ nhiệm dẫn đầu chính phủ lâm thời tại Bangladesh sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và sang Ấn Độ giữa sức ép biểu tình.
Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin đã bổ nhiệm ông Muhammad Yunus làm trưởng cố vấn chính phủ lâm thời vào ngày 6.8, sau khi gặp gỡ các lãnh đạo biểu tình và chỉ huy 3 quân chủng, theo Reuters.
Ông Muhammad Yunus tại Dhaka hồi tháng 3. AFP
Ông Muhammad Yunus (84 tuổi) và Ngân hàng Grameen của ông đã đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2006 nhờ nỗ lực nhằm giúp hàng triệu người thoát nghèo bằng cách cung cấp các khoản vay dưới 100 USD cho người dân vùng quê. Ông đang ở Paris (Pháp) để chữa bệnh và dự kiến sẽ sớm về Dhaka, thủ đô Bangladesh.
Các thủ lĩnh sinh viên biểu tình nói muốn ông Yunus ngồi vào cương vị dẫn dắt chính phủ lâm thời và ông đã đồng ý. Ông chưa lên tiếng từ sau khi được bổ nhiệm.
Lực lượng sinh viên biểu tình đã đe dọa sẽ tiếp tục nếu quốc hội không bị giải tán và người được họ yêu cầu không được bổ nhiệm lãnh đạo chính phủ. "Bất kỳ chính phủ nào ngoài chính phủ mà chúng tôi đề nghị cũng sẽ không được chấp nhận", ông Nahid Islam, một trong những người tổ chức biểu tình, nói trong một video.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp Bangladesh từ tháng 7, yêu cầu bà Hasina từ chức. Khoảng 300 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương trong các cuộc đụng độ.
Người biểu tình phản đối hạn ngạch việc làm trong khu vực công dành cho gia đình của các cựu binh trong cuộc chiến giành độc lập năm 1971 của Bangladesh. Chính phủ của bà Hasina bị tố cáo dùng mức hạn ngạch này để trao việc làm cho các đồng minh của đảng cầm quyền.
Tổng thống Shahabuddin ngày 6.8 đã giải tán quốc hội như yêu cầu của người biểu tình và thả thủ lĩnh đối lập Begum Khaleda Zia, người từng giữ chức thủ tướng trong 2 giai đoạn và đã xung khắc với bà Hasina trong thời gian dài. Họ là hai phụ nữ duy nhất từng lãnh đạo Bangladesh, dù thời gian cầm quyền của bà Hasina dài hơn, theo chuyên san Foreign Policy. Tổng thống Shahabuddin nói chính phủ lâm thời sẽ tổ chức bầu cử ngay sau khi tiếp quản.
Về phần ông Yunus, ông bị truy tố hồi tháng 6 với cáo buộc biển thủ nhưng ông không nhận tội. Ông Yunus gọi ngày bà Hasina rời khỏi Bangladesh là "ngày giải phóng thứ hai". "Ấn Độ là bạn tốt nhất của chúng tôi. Người dân giận dữ Ấn Độ bởi họ đang hỗ trợ người đã phá hủy cuộc sống của chúng tôi", ông Yunus nói ngày 5.8, trước khi được bổ nhiệm.
Theo Vi Trân/Thanh niên
https://thanhnien.vn/bangladesh-giao-chu-nhan-nobel-hoa-binh-2006-lanh-dao-chinh-phu-lam-thoi-185240807081005542.htm