Nước Anh đang rúng động bởi bạo loạn sau vụ đâm dao tại một lớp học khiêu vũ ở Southport hôm 29-7, khiến 3 trẻ em thiệt mạng và hơn 10 người bị thương.
Cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở Middlesbrough hôm 4-8 - Ảnh: SKY NEWS
Đây là vụ bạo loạn nghiêm trọng nhất xảy ra tại Anh trong 13 năm qua. Làn sóng bạo loạn gần nhất diễn ra vào năm 2011, khi hàng nghìn người xuống đường nhiều đêm liên tục sau vụ cảnh sát bắn chết một tài xế taxi 29 tuổi.
Nghi phạm Axel Rudakubana, 17 tuổi, đến từ hạt Lancashire (Anh) bị buộc tội đã thực hiện vụ tấn công bằng dao. Cơ quan chức năng của Anh xác nhận tên này sinh ra tại Cardiff thuộc Xứ Wales, có bố mẹ là người Rwanda.
Nhưng những thông tin sai lệch đã lan truyền trên mạng trước đó cho rằng nghi phạm là người xin tị nạn đến Anh bằng thuyền.
Theo Đài Sky News, làn sóng thông tin sai lệch xuất hiện ngay sau tin tức về vụ đâm dao. Tài khoản X European Invasion có hơn 360.000 người theo dõi đăng tải dòng tweet nhận được tới 4 triệu lượt xem, cho rằng nghi phạm là "một người Hồi giáo nhập cư".
Andrew Tate - nhân vật gây tranh cãi có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội - theo dõi tài khoản X nêu trên đã góp phần lan truyền câu chuyện sai lệch, cho rằng nghi phạm là "người di cư bất hợp pháp".
Một thông tin sai lệch khác cho biết nghi phạm có tên "Ali Al-Shakati" và đã đến Anh bất hợp pháp bằng thuyền vào năm 2023, góp phần củng cố tâm lý cho rằng người nhập cư phải chịu trách nhiệm cho vụ đâm dao.
Theo Hãng tin AFP, bạo lực lần đầu tiên bùng phát vào đêm 30-7 tại Southport, nơi xảy ra vụ đâm dao.
Hàng trăm người đã tụ tập, tấn công xe cảnh sát, đốt lửa và tấn công một nhà thờ Hồi giáo. Bạo loạn kéo dài đến đêm khuya và làm hàng chục cảnh sát bị thương.
Vụ bạo loạn nhanh chóng lan ra ở nhiều TP khắp nơi trên đất nước, trong đó có Liverpool, Nottingham, Leeds, Belfast, Stoke-on-Trent, Blackpool và Hull. Đến nay hơn 140 người đã bị bắt giữ trên toàn quốc.
Một người đàn ông dùng bình cứu hỏa tấn công cảnh sát ở Rotherham - Ảnh: SKY NEWS
Các nhóm cực hữu đã lợi dụng vụ đâm dao để khuếch đại thông điệp chống người nhập cư của họ. Các cuộc biểu tình đã được tổ chức trực tuyến với các khẩu hiệu như "Đủ rồi" và "Hãy chặn những con thuyền lại".
Ông Tommy Robinson, tên thật là Stephen Yaxley-Lennon, 41 tuổi, người sáng lập phong trào cực hữu English Defence League (EDL), bị các nhóm vận động cáo buộc kích động bạo loạn.
Theo tờ Independent ngày 5-8, tòa án tối cao cho biết ông này hiện đã rời khỏi nước Anh sau khi không tham dự phiên tòa vì tội phỉ báng. Từ xa, Robinson vẫn thường xuyên đăng tải thông tin, video về làn sóng bạo loạn trên mạng xã hội.
Ông ta mô tả tình trạng hiện tại là "kết quả của những lo ngại chính đáng" và kêu gọi "trục xuất hàng loạt (người nhập cư)".
Ngày 4-8, Thủ tướng Anh Kier Starmer đã lên án những cuộc biểu tình bạo lực vào cuối tuần qua, cảnh báo những người tham gia bạo loạn sẽ phải đối mặt với sự trừng trị của pháp luật.
Một chiếc ô tô bị đốt cháy khi bạo loạn xảy ra ở TP Middlesbrough - Ảnh: SKY NEWS
Những người phản đối nhập cư đập phá cửa kính ở TP Middlesbrough - Ảnh: SKY NEWS
Người biểu tình cầm một mảnh bê tông đối đầu với cảnh sát tại Bristol hôm 3-8 - Ảnh: AFP
Theo Thanh Hiền/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/vi-sao-bao-loan-nghiem-trong-no-ra-khap-nuoc-anh-20240805140940719.htm