Thời phong kiến, Trung Quốc gọi người đứng đầu đất nước là Thiên tử và để trở thành Thiên tử thì phải được Trời ban Thiên mệnh.
Thiên Đàn nhà Minh xây dựng để thuyết phục người Hán tin họ được ban Thiên mệnh. Ảnh: Thecollector.com
Suốt khoảng 2.500 năm, các quân sư và triết gia Trung Quốc nỗ lực xây dựng, hoàn thiện thuyết Thiên mệnh và đất nước Trung Quốc vận hành theo thuyết này.
Hợp lý hóa sự thay đổi triều đại
Người khai sinh ra ý tưởng Thiên mệnh là các hoàng đế nhà Chu (1046 – 256 trước Công nguyên). Trước nhà Chu, Trung Quốc dưới thời nhà Thương (1766 – 1122 trước Công nguyên).
Hoàng đế thứ 30 của nhà Thương là Trụ Vương khét tiếng hoang dâm vô đạo, bạo ngược tàn ác, mất lòng bách tính và chư hầu. Vì không chịu đựng nổi, thủ lĩnh bộ tộc họ Chu là Cơ Phát đã tập hợp các nước chư hầu và người Hán căm ghét Trụ Vương, dấy binh lật đổ ông.
Xét trên phương diện luân thường, hành động của Cơ Phát là phản động. Trước ông, người đứng đầu họ Chu là Cơ Xương, dù không ưa gì Trụ Vương nhưng vẫn cố giữ lòng trung thành.
Tuy nhiên, xét trên phương diện đạo lý, hành động của ông lại cứu muôn dân thoát khỏi cảnh lầm than và nó phải được tôn vinh. Vì thế, nhà Chu cần một lý do hợp lệ cho việc cướp ngôi của nhà Thương và họ sáng tạo ra khái niệm Thiên mệnh.
Theo các hoàng đế nhà Chu, Thiên mệnh là ý chí, mệnh lệnh của Thiên hoàng. Văn hóa tín ngưỡng thờ Thiên của người Trung Quốc xem Trời là sự hiện diện tối cao, thần thánh nhất. Thiên hoàng chí công vô tư và chỉ vì sự trật tự của vũ trụ. Hoàng đế là Thiên tử, con của Thiên hoàng dưới mặt đất. Thiên tử không nhất thiết phải có xuất thân hoàng tộc, nhưng nhất thiết phải là người được ban Thiên mệnh.
Trong vai trò người được Trời ban Thiên mệnh, hoàng đế phải kế thừa ý chí duy nhất của Thiên hoàng là tạo dựng và duy trì trật tự trên mặt đất, khiến cho đất nước phát triển, bá tánh yên vui. Nếu không làm được điều này, họ sẽ bị Thiên hoàng rút lại Thiên mệnh và đem ban cho người khác.
Trụ Vương bản tính xấu xa, tàn ác là người đã đánh mất Thiên mệnh còn các hoàng đế nhà Chu thì ngược lại, là người tiếp theo được Thiên hoàng chọn làm Thiên tử. Với lập luận này, họ thuyết phục được lòng dân và các nước chư hầu, duy trì triều đại 790 năm.
Ngay cả các hoàng đế ngoại tộc, cụ thể là các hoàng đế nhà Thanh (1636 - 1912) có gốc gác người Mãn Châu cũng phải dựa vào thuyết Thiên mệnh để hợp lý hóa sự cai trị.
Họ không phải kẻ xâm lược Trung Quốc mà là người kề vai sát cánh với lực lượng quân nổi dậy chống lại vua Minh cuối cùng, Sùng Trinh Đế khét tiếng vô dụng, trọng hoạn quan và để hoạn quan lũng đoạn triều đình, khiến muôn quan bất phục, dân chúng khốn khổ.
Phức tạp, mơ hồ
Suốt hàng nghìn năm, các triết gia, quân sư Trung Quốc nỗ lực làm rõ quan niệm Thiên mệnh và vận dụng nó vào chính trị. Tuy nhiên, họ càng cố gắng làm rõ, Thiên mệnh lại càng trở nên mơ hồ, phức tạp hơn. Chúng ta chỉ có thể thâu tóm được 2 ý chính, Thiên mệnh có thời gian và Thiên mệnh chỉ rơi xuống người sẽ trở thành hoàng đế.
Đối với thời gian, Thiên mệnh không cố định khoảng thời gian ngắn hay dài. Một triều đại có thể rất ngắn, cũng có thể rất dài và sự tồn tại ngắn hay dài của nó do Trời quyết định. Nói ngắn gọn là không có triều đại nào vĩnh cửu.
Đối với người được ban mệnh Thiên tử, họ có thể là bất kỳ ai nhưng tại một thời điểm thì chỉ có đúng 1 người. Vì Trời sẽ rút lại Thiên mệnh đang trên hoàng đế nào đó và ban cho người khác nên luôn có dấu hiệu thông báo trước. Hoàng đế có nguy cơ bị mất Thiên mệnh là những người giống như Trụ Vương, tác phong không đúng đắn, làm hại muôn dân…
Ngoài ra, người Trung Quốc còn xem thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, nạn đói… những thứ gây mất cân bằng tự nhiên và xã hội là điềm Trời cho thấy Thiên tử hiện tại không xứng với Thiên mệnh, nên những hoàng đế đang cai trị không giải quyết được các tình trạng này cũng là người sắp mất Thiên mệnh.
Ngược lại thì người sắp có Thiên mệnh là người được lòng muôn dân, giỏi khắc phục các hậu quả của thiên tai, thảm họa. Một trong số họ là Chu Nguyên Chương, vị vua đầu tiên của nhà Minh (1368 – 1644), người có xuất thân nông dân.
Ông đã lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa nông dân lật đổ nhà Nguyên (1271 – 1368) đang đánh mất Thiên mệnh khiến nạn đói, thiên tai, dịch bệnh xảy ra khắp nơi. Sau này, khi nhà Minh mạt, Thiên mệnh rơi vào Hoàng Thái Cực, người sáng lập triều đại nhà Thanh.
So với các hoàng đế xuất thân là người Hán, các hoàng đế xuất thân ngoại tộc như hoàng đế nhà Nguyên (1271 – 1368), hoàng đế nhà Thanh vất vả trong việc thuyết phục mọi người tin họ được ban Thiên mệnh hơn.
Các hoàng đế nhà Nguyên có xu hướng áp đặt niềm tin nên sớm bị lật đổ, triều đại chỉ tồn tại được 97 năm. Các hoàng đế nhà Thanh thì khôn khéo hơn, bằng mọi cách khiến người Hán tin họ vì sự phát triển của đất nước và xứng đáng nắm giữ Thiên mệnh, nên duy trì triều đại được lâu hơn, với 276 năm.
Kể từ khi được khai sinh cho đến tận lúc chế độ phong kiến ở Trung Quốc chấm dứt, Thiên mệnh liên tục là quan niệm và thuyết chính trị quyền lực nhất. Tất cả các tín ngưỡng, tư tưởng nảy sinh, phát triển hoặc du nhập vào quốc gia này đều phải hòa quyện với nó và tôn vinh nó.
Có thể nói, Thiên mệnh định hình văn hóa chính trị phong kiến Trung Quốc. Nó không chỉ củng cố các triều đại hùng mạnh, mà còn tạo điều kiện cho việc “phá cũ, xây mới”, thúc đẩy đất nước không ngừng tiến lên.
Ngày nay, chính quyền Trung Quốc không căn cứ vào Thiên mệnh. Tuy nhiên, di sản của Thiên mệnh thì vẫn còn đó. Bạn có thể thấy nó trong tất cả các phim cổ trang, tiểu thuyết lịch sử và nhất là các tài liệu triều đại.
Theo Thy An/GD&TĐ (nguồn thecollector.com)
https://giaoducthoidai.vn/khai-niem-thien-menh-cua-nguoi-trung-quoc-post692208.html