Thế giới ngoại giao hiện đại vừa có thêm khái niệm mới về phương thức ngoại giao là ngoại giao nước ngọt.
Đơn giản có thể hiểu ở đây là sử dụng việc cung ứng nước ngọt của nước này cho quốc gia khác để đạt được mục đích và lợi ích trong quan hệ song phương. Hai quốc gia này là Trung Quốc và đảo quốc Maldives.
Sông băng Karola ở Tây Tạng. REUTERS
Mối quan hệ song phương không cân xứng này lại là một tâm điểm của chính trị quyền lực và ảnh hưởng ở vùng Ấn Độ Dương, khu vực Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do vị trí địa chiến lược độc nhất vô nhị của Maldives. Cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều nỗ lực tranh thủ, ràng buộc quần đảo này vào mối quan hệ song phương. Mới rồi, ở Maldives có sự thay đổi tổng thống và cục diện trở nên có lợi cho Trung Quốc, bất lợi cho Ấn Độ. Đấy chính là bối cảnh Bắc Kinh thực thi cái gọi là ngoại giao nước ngọt.
Nước ngọt mà Trung Quốc cung cấp cho Maldives đến từ Trung Quốc nhưng lại không phải chỉ là nước ngọt thông thường mà là nước băng đá vĩnh cửu tan của vùng Tây Tạng, từ dãy núi Himalaya. Nước được đóng chai và vận chuyển qua chặng đường rất dài tới Maldives. New Delhi chẳng thể không quan ngại sâu sắc về hình thái ngoại giao mới này vì một khi nước ngọt của Trung Quốc làm thỏa mãn cơn khát của Maldives thì Ấn Độ rất khó để tranh thủ lại Maldives. Trung Quốc không ngẫu nhiên tặng nước ngọt từ Tây Tạng cho Maldives. Ngoại giao nước ngọt Tây Tạng của Trung Quốc còn hàm ý thông điệp cho Ấn Độ, thể hiện rõ thế thắng của Bắc Kinh trong cuộc ganh đua với New Delhi về ảnh hưởng đối với Maldives. Ở dãy núi Himalaya có một số vùng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Ấn Độ, và cả việc sử dụng nguồn nước ngọt ở đây cũng là chuyện bất hòa giữa hai bên.
Theo Phạm Lữ/Thanh niên
https://thanhnien.vn/don-ngoai-giao-nuoc-ngot-cua-bac-kinh-185240528221147202.htm