24
/
164240
Quan hệ Nga - Trung 'nồng ấm nhất lịch sử'
quan-he-nga-trung-nong-am-nhat-lich-su
news

Quan hệ Nga - Trung 'nồng ấm nhất lịch sử'

Thứ 7, 18/05/2024 | 16:35:00
1,939 lượt xem

Ngày 15-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố bản Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược, đưa quan hệ hai nước vào thời kỳ mới.

Ông Tập tại lễ đón chính thức lãnh đạo Nga thăm Trung Quốc vào ngày 16-5 - Ảnh: Reuters

Bản tuyên bố dài 30 trang nhấn mạnh Matxcơva và Bắc Kinh ủng hộ lập trường của nhau trong các vấn đề an ninh, chỉ trích đích danh Mỹ, cũng như đề ra định hướng phát triển quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng, kinh tế, năng lượng, công nghệ...

Chuyến thăm mở ra thời kỳ mới

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin đóng vai trò như phát đại bác của Bắc Kinh và Matxcơva thể hiện cho thế giới thấy mức độ nồng ấm trong quan hệ giữa hai nước. Đây là chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên của ông Putin sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ mới, cho thấy Nga rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc tiếp đón trọng thị tổng thống Nga giữa bối cảnh phương Tây lo ngại về việc quan hệ Trung - Nga có thể ảnh hưởng tới lập trường của Bắc Kinh trong một số vấn đề quốc tế bao gồm Ukraine. 

Điều này cho thấy tuyên bố chung của Trung Quốc và Nga vừa qua có thể xem như một lời khẳng định rằng Bắc Kinh và Matxcơva tiếp tục sát cánh giải quyết các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu.

Trung Quốc và Nga đã thể hiện lập trường ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề an ninh, chủ quyền như chiến tranh tại Ukraine, vấn đề Đài Loan. Hai bên đồng thời chỉ trích Mỹ - quốc gia đang có nhiều khác biệt với cả Bắc Kinh và Matxcơva trong nhiều vấn đề mang tính chiến lược.

Tuyên bố chung chỉ trích đích danh Washington như sau: "Mỹ giữ nguyên tâm lý thời Chiến tranh lạnh và bị chi phối bởi tư duy đối đầu khối. Việc này đặt an ninh của nhiều "nhóm nhỏ" lên trên an ninh và sự ổn định khu vực, từ đó dẫn đến mối đe dọa an ninh cho tất cả các quốc gia trong khu vực. Mỹ cần phải bỏ lối ứng xử này".

Ngoài ra, văn bản trên cũng khẳng định hai nước đã đạt sự đồng thuận trong việc cùng nhau phát triển kinh tế, mở rộng thị trường, làm chủ công nghệ... Đặc biệt, Nga và Trung Quốc nhấn mạnh việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác quân sự, bao gồm việc tăng cường tổ chức các cuộc tập trận chung.

Tuy nhiên, truyền thông phương Tây vẫn nhận định chuyến công tác Bắc Kinh của ông Putin không mang lại nhiều ý nghĩa thực tiễn khi không có thỏa thuận lớn được công bố. Đài CNN còn cho rằng việc đàm phán dự án đường ống dẫn khí tự nhiên "Sức mạnh Siberia 2" - công trình được Nga đặt nhiều hy vọng - vẫn chưa có tiến triển.

Quan hệ "không giới hạn" Nga - Trung

Thực tế, quan hệ Nga - Trung được cho đã bắt đầu nồng ấm từ năm 2014, khi Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa hai nước mới chỉ được đẩy lên mức cao nhất từ khi căng thẳng trong quan hệ Nga - Ukraine tiến sát đến cao trào. Đầu tháng 2-2022, chỉ vài tuần trước khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine bắt đầu, Bắc Kinh và Matxcơva công bố quan hệ hữu nghị "không giới hạn".

Về mặt chính trị, Trung Quốc và Nga thường xuyên ủng hộ nhau trong các vấn đề chủ quyền, lãnh thổ trên trường quốc tế. Phương Tây tỏ ra không hài lòng khi Bắc Kinh tuyên bố trung lập trong cuộc chiến tại Ukraine và chưa bao giờ chỉ trích Nga. Ngược lại, Nga ủng hộ chính sách "một Trung Quốc" và phản đối vấn đề Đài Loan độc lập.

Về kinh tế, kể từ sau các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ dầu khí số 1 của Nga, giúp Nga đứng vững sau những nỗ lực trừng phạt kinh tế từ Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, Bắc Kinh bị cáo buộc đã bán cho Nga một lượng lớn sản phẩm lưỡng dụng có thể được dùng cho công nghiệp quốc phòng Matxcơva như máy bay không người lái (drone), động cơ máy bay phản lực...

Nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson Elina Ribakova đánh giá: "Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Nga. Họ mua nguyên liệu thô của Nga và bán lại hàng hóa, bao gồm các món đồ có thể dùng trên chiến trường".

Từ đó, giới quan sát nhận định quan hệ giữa hai nước đặc biệt quan trọng vì một bên cần sự giúp đỡ của bên còn lại để theo đuổi những tham vọng của mình.

Dù cam kết hợp tác "không giới hạn", Nga và Trung Quốc vẫn luôn phủ nhận việc hình thành liên minh quân sự. Trong cuộc hội đàm với ông Tập, ông Putin đã kêu gọi xây dựng "cấu trúc an ninh đáng tin cậy và hợp lý cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở đó sẽ không có chỗ cho các liên minh chính trị - quân sự khép kín".

Trong bối cảnh địa chính trị thế giới ngày càng phức tạp, Nga và Trung Quốc được dự đoán sẽ còn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, đúng như đánh giá của giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Á - Âu Carnegie Alexander Gabuev: "Từ khi Liên Xô sụp đổ, chưa bao giờ Nga xa rời châu Âu như vậy. Trong toàn bộ lịch sử của mình, cũng chưa bao giờ Nga gắn chặt vào Trung Quốc đến thế".

Trả lời Global Times, giáo sư Học viện Ngoại giao Trung Quốc Li Haidong nhận định quan hệ hợp tác qua lại giữa Nga và Trung Quốc không chỉ phục vụ lợi ích cơ bản của hai dân tộc mà còn nhằm thúc đẩy trật tự đa cực của thế giới.

Ông Li đánh giá: "Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Trung không chỉ là ví dụ về mối quan hệ thành công giữa hai cường quốc có thể vượt qua các biến động thế giới, mà còn là chìa khóa cho việc duy trì sự cân bằng chiến lược của quan hệ quốc tế".

Theo Ngọc Đức/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/quan-he-nga-trung-nong-am-nhat-lich-su-20240518080709317.htm

  • Từ khóa

Biến đổi khí hậu làm mưa bão dữ dội hơn

Theo Tân Hoa xã hôm 26-7, khoảng 628.600 người ở tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi bão Gaemi.
07:34 - 27/07/2024
19 lượt xem

Pháp cấm VĐV Hồi giáo đội khăn trùm đầu dự Olympic Paris 2024

Nga đã chỉ trích quyết định cấm VĐV Hồi giáo đội khăn trùm đầu truyền thống trong lễ khai mạc Olympic Paris 2024 vì phân biệt chủng tộc.
19:54 - 26/07/2024
333 lượt xem

Một thủ lĩnh Hamas chết khi bị Israel giam giữ

Ngày 26-7, phía Palestine cho biết một thủ lĩnh của tổ chức Hồi giáo Hamas ở khu vực Bờ Tây đã chết trong thời gian bị Israel giam giữ.
17:11 - 26/07/2024
364 lượt xem

Nhật Bản sắp xây căn cứ huấn luyện tên lửa ở Thái Bình Dương

Một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 25.7 cho biết Tokyo có kế hoạch xây dựng một địa điểm huấn luyện phóng tên lửa chống hạm trên một hòn đảo...
13:49 - 26/07/2024
447 lượt xem

Indonesia triển khai "Thị thực vàng"

Indonesia triển khai chương trình thị thực dài hạn có tên gọi "Thị thực vàng" ngày 25-7, với mục đích như Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh là mời gọi "các...
12:51 - 26/07/2024
467 lượt xem