Hôm qua 12.4, tờ Nikkei Asia đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vừa kết thúc hội nghị thượng đỉnh 3 bên tại Nhà Trắng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Biden khẳng định: "Phần lớn lịch sử của thế giới chúng ta sẽ được viết ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) trong những năm tới".
Nhấn mạnh về Biển Đông, tăng cường hợp tác hạ tầng
Trong hội nghị, Tổng thống Biden đã gián tiếp gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng: "Tôi muốn nói rõ. Các cam kết quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản và Philippines vững như sắt. Bất kỳ cuộc tấn công nào vào máy bay, tàu hoặc lực lượng vũ trang Philippines ở Biển Đông sẽ được viện dẫn hiệp ước phòng thủ chung của chúng tôi".
Từ trái qua: Tổng thống Marcos Jr., Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida có cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington vào ngày 11.4 (theo giờ địa phương). Ảnh: Reuters
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về hành vi "nguy hiểm và hung hăng" của Trung Quốc ở Biển Đông. Ba nhà lãnh đạo cũng lo ngại về việc quân sự hóa các thực thể được cải tạo và các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Đông.
Các bên cũng đạt được một số sáng kiến mới bao gồm việc mời các thành viên tuần duyên Philippines và Nhật Bản lên tàu tuần duyên Mỹ trong các chuyến tuần tra chung ở Indo-Pacific. Mỹ và Philippines sẽ thành lập một trung tâm hậu cần hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai tại một trong 9 căn cứ quân sự của Philippines mà Mỹ được tiếp cận theo thỏa thuận giữa 2 bên.
Về mặt kinh tế, 3 nhà lãnh đạo đã công bố dự án cơ sở hạ tầng mới mang tên Hành lang kinh tế PGI Luzon, sẽ kết nối Vịnh Subic, Clark, Manila và Batangas thông qua việc xây dựng cảng, đường sắt, cơ sở năng lượng sạch và chuỗi cung ứng chất bán dẫn. PGI, hay Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu, là chương trình của chính quyền Tổng thống Biden phản ứng trước Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. PGI Luzon là hành lang PGI đầu tiên ở Indo-Pacific. Cả ba sẽ thành lập một ban chỉ đạo để đẩy nhanh công việc trên hành lang PGI Luzon.
Ba nước cũng thỏa thuận hợp tác về viễn thông khi phát triển mạng truy cập vô tuyến (RAN) mở thế hệ tiếp theo ở Philippines để tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
Tuyên bố chung khép lại bằng lời khẳng định: "Một chương 3 bên mới giữa 3 nước chúng ta bắt đầu từ hôm nay".
Chương mới của liên minh
Theo GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật): Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Philippines có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh dấu một bước ngoặt trong hợp tác nhằm đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc vốn đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở Biển Đông.
"Thông qua hợp tác ba bên, cả Washington, Tokyo và Manila đều mong muốn duy trì trật tự dựa trên luật lệ. Các cơ chế để thực hiện điều này sẽ bao gồm lực lượng tuần duyên Nhật Bản và Philippines tham gia cùng các đối tác Mỹ, thiết lập các sáng kiến cơ sở hạ tầng và đào tạo chung thường xuyên ở Philippines để nâng cao năng lực cho phía Manila", GS Nagy đánh giá.
Ông cũng cho rằng có thể phát triển các hoạt động khác ở Biển Đông khi liên minh 3 bên Mỹ - Nhật - Philippines hợp tác với các bên liên quan khác trong khu vực nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định dựa trên trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.
Trả lời Thanh Niên, ông Gregory Poling (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ) đánh giá hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ - Nhật - Philippines cũng mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng.
"Ba bên đạt nhiều thỏa thuận về sự hỗ trợ của Mỹ và Nhật Bản đối với nền kinh tế Philippines, nhưng giá trị quan trọng nhất của sự kiện lần này là tính biểu tượng của hội nghị thượng đỉnh 3 bên đầu tiên giữa 3 đồng minh", ông Poling đánh giá.
Chính giới Mỹ ủng hộ quan hệ chặt chẽ với Nhật
Trước hội nghị thượng đỉnh trên, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida cũng đã có cuộc hội đàm để nâng cao liên minh Mỹ - Nhật, tăng cường hợp tác trước các vấn đề trong khu vực. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng cho liên minh 3 bên Mỹ - Nhật - Philippines.
Nhận định khi trả lời Thanh Niên, ông Gregory Poling cho rằng: "Chuyến thăm của Thủ tướng Kishida đến Mỹ nêu bật tầm quan trọng của liên minh. Việc ông Kishida phát biểu trước Quốc hội Mỹ thể hiện sự ủng hộ sâu rộng trong chính giới nước Mỹ đối với việc tăng cường quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản".
Theo Hoàng Đình/Thanh niên
https://thanhnien.vn/chuong-moi-cho-lien-minh-my-nhat-philippines-185240412215618448.htm