Đối mặt với sức ép lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc chính biến năm 2021, quân đội Myanmar tiếp tục nêu cam kết sẽ tổ chức bầu cử để kêu gọi người dân đoàn kết.
Thống tướng Min Aung Hlaing xuất hiện tại cuộc duyệt binh của quân đội Myanmar ngày 27-3 ở thủ đô Naypyidaw - Ảnh: AFP
Phát biểu tại cuộc duyệt binh Ngày các lực lượng vũ trang thường niên hôm 27-3, Thống tướng Min Aung Hlaing khẳng định quân đội Myanmar chỉ nắm quyền tạm thời. Ông đổ lỗi cho phong trào kháng chiến và các thế lực nước ngoài đang cản trở cuộc bầu cử mà quân đội đã hứa hẹn từ lâu.
Kêu gọi đoàn kết
"Quân đội, lực lượng cảnh sát và dân quân đang nỗ lực khôi phục hòa bình và ổn định. Chúng ta cần có sự đoàn kết giữa quân đội và nhân dân", ông Aung Hlaing phát biểu trước các binh sĩ ở thủ đô Naypyidaw.
Ông cho biết các nỗ lực tiến hành bầu cử đang được triển khai nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể. Nhắc lại cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020, ông nói cuộc bầu cử tiếp theo sẽ được tổ chức theo hệ thống mang tính toàn diện hơn.
Trước đó hai ngày, vị tướng này cũng nói với Hãng tin TASS của Nga rằng quân đội Myanmar sẽ tổ chức bầu cử sau khi đạt được hòa bình, dù có thể không bỏ phiếu trên toàn quốc do chính quyền đang chiến đấu để ngăn chặn cuộc nổi dậy trên nhiều mặt trận.
Cuộc chính biến vào tháng 2-2021 khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi đã gây ra tình trạng hỗn loạn khiến hàng ngàn người thiệt mạng và phá hủy nền kinh tế Myanmar. Quân đội đã nhiều lần cam kết sẽ tổ chức bầu cử nhưng lại liên tiếp gia hạn tình trạng khẩn cấp làm cản trở quá trình này.
Tuy nhiên, ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền ở Myanmar, mới đây đánh giá những tổn thất trên chiến trường và các vấn đề về tuyển quân đang đặt ra "mối đe dọa hiện hữu đối với quân đội Myanmar".
Trong sáu tháng qua, quyền lực của các tướng lĩnh đang lung lay hơn bao giờ hết với hàng chục "Lực lượng phòng vệ nhân dân" (PDF) tham gia chiến đấu với quân đội trên cả nước.
Vào tháng 10-2023, liên minh các lực lượng dân tộc thiểu số đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ ở phía bắc bang Shan, chiếm lãnh thổ và kiểm soát các tuyến đường thương mại nối đến Trung Quốc.
Trước tổn thất nặng nề, chính quyền Myanmar thi hành luật nghĩa vụ quân sự, buộc tất cả nam giới từ 18 - 35 tuổi và nữ giới từ 18 - 27 tuổi đi nghĩa vụ trong hai năm. Động thái lập tức gây hỗn loạn khi hàng ngàn người tìm cách trốn ra nước ngoài, nhất là Thái Lan.
Theo giới quan sát, chính quyền quân sự cũng đặt ra luật đăng ký bầu cử hạn chế các đảng phái tham gia và ưu ái cho những đảng ủng hộ quân đội. Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn và tranh cử trong giai đoạn cực kỳ xung đột này cũng là thách thức lớn.
Đổ lỗi cho thế lực bên ngoài
Trong phát biểu ngày 27-3, tướng Aung Hlaing đổ lỗi cho các nhóm dân tộc có vũ trang và "cái gọi là Lực lượng phòng vệ nhân dân" vì đã gây bạo lực, cướp bóc, gieo rắc sự căm thù nhằm phá hoại và cản trở bầu cử. Ông chỉ trích những thông tin giả và tuyên truyền chống lại quân đội trên mạng.
Ông Aung Hlaing cho biết "một số nước lớn" đang cố gắng can thiệp vào tình hình nội bộ Myanmar thông qua việc giúp đỡ các nhóm vũ trang chống lại quân đội, tuy nhiên không đưa ra bằng chứng cụ thể.
"Họ đang viện trợ cho các tổ chức đó bằng nhiều cách khác nhau. Họ đang cố gắng tiêu diệt và làm suy yếu các tổ chức bảo vệ lợi ích của người dân... Vì vậy, các thành viên của lực lượng an ninh cần phải đoàn kết", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Hlaing, đồng thời kêu gọi các cựu binh tái nhập ngũ.
Thời gian qua, nhiều nước đã siết chặt trừng phạt Myanmar kể từ sau chính biến năm 2021. Áp lực lên Myanmar càng tăng khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hồi đầu tháng này nói ông hoang mang trước những báo cáo về các cuộc không kích nhằm vào những ngôi làng ở phía đông Myanmar.
Ngày 27-3, các nước Anh và Canada tiếp tục ra tuyên bố chỉ trích chính quyền quân sự Myanmar và kêu gọi các nước ngừng chuyển vũ khí, hỗ trợ quân sự cho nước này.
Cuộc diễu hành bất thườngNgày 27-3 cuộc duyệt binh ở thủ đô Naypyidaw bắt đầu vào chiều tối, theo chính quyền là để tránh nắng nóng. Không giống những năm trước sẽ có hình ảnh tướng Min Aung Hlaing xuất hiện cùng xe tăng và bệ phóng tên lửa, cuộc duyệt binh lần này có rất ít vũ khí hạng nặng, thay vào đó là các màn trình diễn ánh sáng, Hãng tin AFP mô tả. Sự bất thường này khiến nhiều ý kiến hoài nghi về việc quân đội Myanmar thiếu hụt binh sĩ để tổ chức duyệt binh. |
Theo Trần Phương/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/chinh-quyen-myanmar-va-la-bai-bau-cu-20240329074516839.htm