Việc chuyển hàng cứu trợ sang Myanmar là bước đầu trong sáng kiến của Thái Lan nhằm thiết lập hành lang nhân đạo, mở đường đàm phán cho xung đột.
Người dân Myanmar xếp hàng nhận thực phẩm ở bang Shan của nước này - Ảnh: AFP
Ngày 25-3, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết lô hàng cứu trợ đầu tiên gồm 4.000 túi đựng gạo, thực phẩm khô và các nhu yếu phẩm khác đủ cho 20.000 người đã được Hội Chữ thập đỏ Thái Lan chuyển đến cho đối tác Myanmar tại cửa khẩu biên giới Mae Sot-Myawaddy.
Thúc đẩy đàm phán
Hoạt động này là một phần trong sáng kiến hòa bình lớn hơn của Thái Lan, nhằm thiết lập hành lang nhân đạo được các nước ASEAN ủng hộ.
Ba năm sau cuộc chính biến năm 2021, cuộc xung đột ngày càng leo thang giữa một bên là quân đội Myanmar và bên còn lại là các nhóm dân tộc thiểu số và lực lượng kháng chiến.
Đến nay, Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 2,6 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa và hơn 18 triệu người đang cần được hỗ trợ ở Myanmar.
Trong khi đó, kế hoạch hòa bình 5 điểm của ASEAN, vốn đã được các tướng lĩnh Myanmar nhất trí vào tháng 4-2021, vẫn giậm chân tại chỗ do thiếu sự cam kết của chính quyền quân sự nước này. Các cam kết này bao gồm việc cho phép tiếp cận nhân đạo, ngừng chiến đấu và đối thoại.
Thái Lan hy vọng nước này có thể đóng vai trò giúp kiểm soát cuộc xung đột và thúc đẩy đàm phán. Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow cho biết động thái nói trên "thể hiện ý định tốt của Thái Lan đối với người dân Myanmar ... với hy vọng Myanmar sẽ thấy hòa bình, ổn định và thống nhất".
Theo Hãng tin Reuters, viện trợ sẽ được phân phối tại 3 khu vực thí điểm ở bang Kayin của Myanmar, dưới sự giám sát của Cơ quan nhân đạo và thảm họa ASEAN.
Ông Sihasak nói Bangkok luôn sẵn sàng hỗ trợ đối thoại, và hỗ trợ nhân đạo sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác trong tương lai.
Myanmar tính tổ chức bầu cử
Tướng Min Aung Hlaing và các lãnh đạo quân sự Myanmar đang đối mặt với thách thức từ các lực lượng dân tộc thiểu số và kháng chiến - Ảnh: REUTERS
Ngày 25-3, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, tướng Min Aung Hlaing, cho biết nước này có kế hoạch tổ chức một cuộc bầu cử sau khi đạt được hòa bình và ổn định.
Tuy nhiên ông nói có thể không mở bầu cử trên toàn quốc, do chính quyền đang chiến đấu để ngăn chặn cuộc nổi dậy trên nhiều mặt trận.
"Nếu đất nước hòa bình và ổn định, chúng tôi có kế hoạch tổ chức bầu cử ở nhiều khu vực nhất có thể, ngay cả khi cuộc bầu cử không được tổ chức trên toàn quốc theo luật", ông Min Aung Hlaing trả lời Hãng tin TASS của Nga.
Sau 3 năm nắm quyền, các tướng lĩnh Myanmar đang đối mặt thách thức lớn nhất từ trước đến nay, với cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ chuyển thành phong trào kháng chiến có vũ trang.
Chính quyền nước này đã nhiều lần gia hạn tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng, với lý do cần phải ổn định đất nước và trấn áp các lực lượng mà họ mô tả là những kẻ khủng bố.
Theo Trần Phương/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/thai-lan-bat-dau-chuyen-hang-cuu-tro-cho-myanmar-20240325153230576.htm