Những thay đổi về tỷ lệ sinh dự kiến định hình lại hoàn toàn nền kinh tế toàn cầu và cán cân quyền lực quốc tế, khiến việc phụ thuộc vào nhập cư sẽ trở nên cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Hãng AFP ngày 21.3 dẫn một nghiên cứu lớn dự báo dân số của hầu hết mọi quốc gia sẽ giảm vào cuối thế kỷ này, trong khi sự bùng nổ sinh con ở các quốc gia đang phát triển và sụt giảm ở các quốc gia giàu có sẽ dẫn đến những thay đổi lớn.
Tỷ lệ sinh ở một nửa số quốc gia trên thế giới đã quá thấp để duy trì quy mô dân số của, một nhóm quốc tế gồm hàng trăm nhà nghiên cứu đã báo cáo trên chuyên san The Lancet.
Sử dụng một lượng lớn dữ liệu toàn cầu về sinh, tử và yếu tố thúc đẩy khả năng sinh sản, các nhà nghiên cứu đã cố gắng dự báo tương lai dân số thế giới.
Theo nghiên cứu của Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME-Mỹ), đến năm 2050, dân số của 3/4 tất cả các quốc gia sẽ bị thu hẹp. Vào cuối thế kỷ này, điều này sẽ xảy ra với 198 trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, tương đương 97%.
Nghiên cứu dự báo chỉ có Samoa, Somalia, Tonga, Niger, Chad và Tajikistan là có tỷ lệ sinh vượt mức thay thế là 2,1 ca sinh trên một phụ nữ vào năm 2100.
"Thế giới sẽ đồng thời giải quyết tình trạng bùng nổ sinh sản ở một số quốc gia và sự giảm sinh sản ở những quốc gia khác", theo ông Stein Emil Vollset tại IHME, tác giả cao cấp của nghiên cứu.
Nhà nghiên cứu Natalia Bhattacharjee của IHME cho biết tác động của sự thay đổi là rất lớn.
"Những xu hướng tương lai về tỷ lệ sinh sẽ định hình lại hoàn toàn nền kinh tế toàn cầu và cán cân quyền lực quốc tế, đồng thời đòi hỏi phải tổ chức lại xã hội. Một khi dân số gần như mọi quốc gia bị thu hẹp, việc phụ thuộc vào nhập cư sẽ trở nên cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế", bà cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi thận trọng đối với các dự báo. Họ chỉ ra một số hạn chế của các mô hình, đặc biệt là việc thiếu dữ liệu từ nhiều quốc gia đang phát triển.
Bên cạnh đó, có thể có những lợi ích khi với dân số nhỏ hơn, chẳng hạn như về môi trường và an ninh lương thực. Nhưng có những bất lợi về nguồn cung lao động, an sinh xã hội và địa chính trị.
Theo Khánh An/Thanh niên