Sáu cặp đôi kiện chính phủ Nhật Bản vì đạo luật yêu cầu 2 người kết hôn phải có cùng họ, đánh dấu thách thức pháp lý mới nhất đối với phong tục đã tồn tại hàng thế kỷ.
Cơ chế vợ chồng chung họ được hình thành từ năm 1898, thời điểm Nhật Bản thông qua luật chính thức hóa hệ thống gia đình phụ hệ. Về lý thuyết, người chồng có thể lấy theo họ của vợ mình, nhưng trên thực tế, người vợ thường là người đổi tên (Ảnh: E+/Getty).
Mười nguyên đơn - bao gồm cả các cặp đã đăng ký kết hôn và các cặp sống chung như vợ chồng - đệ đơn kiện lên tòa án quận Tokyo, và một cặp vợ chồng kiện ở Sapporo vào ngày 8/3, theo Bloomberg.
Ngày khởi kiện trùng với Ngày Quốc tế Phụ nữ để nhấn mạnh thực tế là truyền thống "vợ chồng cùng họ" có tác động không cân xứng đến phụ nữ.
Nếu Tòa án Tối cao Nhật Bản quyết định rằng luật này vi hiến, nó sẽ tiếp tục được xem xét tại Quốc hội.
Những lần khởi kiện trước đây, bao gồm vụ vào năm 2021, đều đã bị Tòa Tối cao bác bỏ, nhưng ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi thay đổi do xã hội Nhật Bản ngày càng nhận thức được những khó khăn của phụ nữ trên đường sự nghiệp. Điều đó tiếp thêm niềm tin cho luật sư và các nguyên đơn trong vụ kiện hiện tại.
"Ngày càng có nhiều nhà quản lý nam giới ủng hộ cơ chế cho phép các cặp vợ chồng có thể lựa chọn", Makiko Terahara, luật sư dẫn đầu vụ kiện, người từng tham gia 2 vụ kiện tương tự trước đây, cho biết. "Lần 3 sẽ là lần may mắn".
Keidanren - nhóm vận động hành lang doanh nghiệp hùng mạnh của Nhật Bản, nổi tiếng với lập trường bảo thủ - cũng đã bày tỏ thái độ ủng hộ thay đổi vào tháng trước.
"Cá nhân tôi nghĩ chúng ta nên giới thiệu một hệ thống họ riêng", Chủ tịch Keidanren, ông Masakazu Tokura, phát biểu tại cuộc họp báo hồi tháng 2.
Keidanren dự định gửi tờ trình về vấn đề này lên chính phủ sớm nhất là vào nửa đầu năm nay.
Cơ chế vợ chồng chung họ được hình thành từ năm 1898, thời điểm Nhật Bản thông qua luật chính thức hóa hệ thống gia đình phụ hệ. Về lý thuyết, người chồng có thể lấy họ vợ nhưng trên thực tế, người vợ thường là người đổi tên.
Với số lượng phụ nữ quan tâm tới sự nghiệp ngày càng tăng, người tiếp tục sử dụng tên riêng tại nơi làm việc sẽ gặp rắc rối trong cuộc sống hàng ngày do sự khác biệt giữa tên pháp lý và tên trong công việc.
Yêu cầu chung họ cũng gây ra khó khăn lớn trong đời sống cá nhân.
Chẳng hạn, nguyên đơn Megumi Ueda quyết định không đăng ký kết hôn để giữ nguyên tên riêng, nhưng phải đánh đổi bằng việc phải trao quyền nuôi con cho bạn đời vì Nhật Bản không cho phép quyền nuôi con chung.
"Tôi nghĩ thực sự cần một cơ chế mới để đảm bảo mọi người đều có thể hạnh phúc hơn khi kết hôn", cô nói.
Theo Quốc Đạt/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/6-cap-doi-nhat-ban-kien-chinh-phu-yeu-cau-sua-luat-vo-chong-chung-ho-20240308101956571.htm