Quân đội Mỹ đã tiến hành đợt thả hàng viện trợ đầu tiên xuống Dải Gaza giữa lúc khu vực này đối mặt với khủng hoảng nhân đạo.
Quân đội Mỹ thả hàng viện trợ xuống Gaza hôm 2/3 (Ảnh: Reuters).
Các quan chức Mỹ cho biết 3 máy bay vận tải C-130 đã thả hơn 38.000 suất ăn xuống Dải Gaza hôm 2/3.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/3 công bố kế hoạch thả lương thực và nhu yếu phẩm cho người dân ở Gaza.
Các quốc gia khác, bao gồm Jordan và Pháp, cũng đã tiến hành thả hàng viện trợ xuống Dải Gaza.
"Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa và Mỹ sẽ làm nhiều hơn nữa", ông Biden tuyên bố, đồng thời cho biết "viện trợ đưa tới Gaza gần như không đủ".
Tại Nhà Trắng, người phát ngôn John Kirby nhấn mạnh các đợt thả hàng viện trợ sẽ trở thành "nỗ lực bền vững".
Ông Biden cho biết Mỹ cũng đang xem xét khả năng thiết lập một hành lang hàng hải để chuyển số lượng lớn viện trợ tới Gaza.
Máy bay C-130J Super Hercules của Lực lượng Không quân Mỹ thả hàng viện trợ xuống Gaza (Ảnh: Reuters).
Hai nguồn tin an ninh Ai Cập ngày 2/3 cho biết các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza giữa các phái đoàn Israel và Hamas sẽ được nối lại tại Cairo vào ngày 3/3.
Theo các nguồn tin Ai Cập, các bên đã nhất trí về thời hạn của lệnh ngừng bắn ở Gaza cũng như việc thả con tin và tù nhân, đồng thời nói thêm rằng việc hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn vẫn đòi hỏi lực lượng Israel rút khỏi phía bắc Gaza và đưa người dân trở lại khu vực này.
Tuy nhiên, hãng tin Ynet của Israel dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên cho biết Israel sẽ không cử phái đoàn tới cuộc đàm phán ở Cairo cho đến khi nhận được danh sách đầy đủ các con tin còn sống bị giam giữ ở Gaza.
Theo nguồn tin, vấn đề trọng tâm đang được giải quyết là bao nhiêu con tin Israel sẽ được thả khỏi Gaza, và bao nhiêu người Palestine sẽ được Israel trả tự do để đổi lấy mỗi con tin.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCH) cho biết, ít nhất 576.000 người trên khắp Gaza, chiếm 1/4 dân số ở khu vực này, đang "đối mặt với mức độ thiếu thốn và đói khát thảm khốc" và "chỉ còn một bước nữa là đến nạn đói".
Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP), gần như toàn bộ dân số 2,2 triệu người cần viện trợ lương thực, trong đó 1/6 trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng trầm trọng.
Hơn 30.000 người đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi cuộc chiến giữa Israel với Hamas bùng nổ vào tháng 10/2023. Người Palestine phải đối mặt với tình thế ngày càng tuyệt vọng sau gần 5 tháng nổ ra xung đột.
Người dân ở Dải Gaza phải ăn thức ăn chăn nuôi, thậm chí xương rồng để sống sót. Các bác sĩ cho biết trẻ em tử vong trong bệnh viện do suy dinh dưỡng và mất nước, trong khi Liên hợp quốc thừa nhận phải đối mặt với "những trở ngại quá lớn" trong việc viện trợ.
Theo cơ quan y tế ở Gaza, số người thiệt mạng cao nhấn mạnh thử thách khủng khiếp kéo dài nhiều tháng của người dân Palestine ở dải đất này, trong đó các chiến dịch ném bom trên không và tấn công trên bộ của Israel đã khiến đại đa số cư dân phải di dời và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc.
Theo Thành Đạt/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/gaza-doi-mat-nan-doi-tham-khoc-my-lan-dau-tha-hang-vien-tro-20240303070042536.htm