Tình hình chiến sự ở Dải Gaza vẫn chưa kết thúc khiến khủng hoảng nhân đạo tại đây càng thêm đáng lo.
Tình trạng chạm đến "điểm bùng nổ" ?
Reuters dẫn số liệu từ cơ quan y tế của Palestine ước tính kể từ đầu xung đột đến ngày 24.2, số người dân ở Gaza chết trong các cuộc không kích đã vượt 29.500. Chỉ riêng sáng 24.2, hơn 100 người được cho là đã thiệt mạng bởi các cuộc tấn công qua đêm ở khắp khu vực.
Đống đổ nát ở miền nam Gaza sau cuộc tấn công đêm 23.2
Các cuộc tấn công đã khiến mọi hoạt động cứu trợ bị đình trệ. Theo hãng tin Al Jazeera, để duy trì sự sống, người Palestine đang phải uống nước bị ô nhiễm và ăn thức ăn chăn nuôi, điều mà các cơ quan viện trợ đã so sánh với "nạn đói". Ngoài ra, giao tranh liên tục cũng cản trở các máy móc hạng nặng tiếp cận hiện trường, ảnh hưởng nỗ lực tìm kiếm người sống sót.
Trước tình hình trên, Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) đã kêu gọi thế giới đừng nhắm mắt làm ngơ trước những đau khổ "không thể tả xiết" của người dân ở Gaza, bởi họ đang trong tình trạng "cực kỳ nguy hiểm" trước sự chứng kiến của thế giới. UNRWA cũng cảnh báo cơ quan này đã chạm đến "điểm bùng nổ" và gần như không thể duy trì các nguồn viện trợ cho khu vực, bởi nhiều nước phương Tây đã đóng băng tài trợ, theo Đài DW.
Trong khi đó, hãng thông tấn Wafa đưa tin 2 công dân Palestine đã bị một số người định cư Israel ở Bờ Tây tấn công và cướp phương tiện. Theo các nguồn tin, đêm 23.2, trong lúc 2 thanh niên đang di chuyển bằng ô tô thì bị một nhóm người xịt hơi cay để khống chế. Chiếc ô tô sau đó đã bị một xe tải chở đến khu vực tập trung người Israel. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Israel về việc này.
Áp lực đổ dồn lên Israel
Nhiều nước vẫn tiếp tục gia tăng sức ép lên Israel. Theo AFP, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil hôm 23.2 một lần nữa chỉ trích cuộc tấn công của Israel vào Gaza và nói rằng đây "không phải là chiến tranh, đó là tội ác diệt chủng", làm trầm trọng hơn nữa quan hệ song phương.
Cùng ngày, Mỹ cũng đã chỉ trích kế hoạch thời hậu chiến ở Gaza khi Hamas bị loại bỏ, do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định sự phản đối của Washington đối với bất kỳ hành động tái chiếm nào của đồng minh Israel ở Gaza, cũng như bất kỳ hành động nào làm giảm quy mô vùng lãnh thổ này. Cũng là một phần trong nỗ lực kiềm chế xung đột, bà Francesca Albanese, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về vấn đề Palestine, cảnh báo bất kỳ quốc gia nào tiếp tục vận chuyển vũ khí để Israel tấn công Gaza đều có thể bị xem là đồng lõa với với "tội ác chiến tranh".
Trong khi đó, các điều khoản về một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã được đưa ra bàn thảo tại Pháp, trong nỗ lực được cho là nghiêm túc nhất trong nhiều tuần nhằm ngăn chặn giao tranh tiếp tục lan rộng, cũng như đảm bảo các con tin được trả tự do. Reuters dẫn nguồn tin hiểu rõ về các cuộc đàm phán cho biết người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad của Israel gặp riêng từng bên gồm Qatar, Ai Cập và Mỹ. Israel chưa công khai bình luận về thông tin trên. Cùng lúc đó, Hamas cho biết họ đã kết thúc các cuộc thảo luận ở Cairo (Ai Cập) và đang chờ xem các nhà hòa giải rút ra được điều gì sau cuộc đàm phán với Israel ở Pháp.
Nền kinh tế Ai Cập đang "chảy máu" Các nhà phân tích cho rằng một cuộc khủng hoảng sâu sắc ở Trung Đông do xung đột Hamas - Israel cùng các vụ tấn công liên tiếp ở biển Đỏ đang đẩy Ai Cập vào tình thế nguy cấp. Theo hãng tin Al Jazeera, nền kinh tế đang xấu đi của nước này phải gánh chịu nợ công ngày càng tăng, vốn đang ở mức hơn 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cùng với sự trượt giá của đồng bảng Ai Cập so với USD. Ngoài ra, việc chiến sự đang ngày càng tiến gần đến biên giới Ai Cập cũng đe dọa các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, khiến doanh thu từ du lịch giảm 10 - 30% so với năm ngoái, và làm nước này mất 4 - 11% dự trữ ngoại hối. Chính quyền Ai Cập còn cho biết doanh thu trong tháng 1 từ kênh đào Suez đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2023. |
Theo Khánh Như/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/tinh-hinh-nhan-dao-o-gaza-them-nguy-cap-185240224232823054.htm